Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 02:12
Thứ tư, 28/08/2024 07:08
TMO - Tỉnh Đồng Nai sẽ quyết liệt ngăn chặn việc săn bắt, mua bán, nuôi nhốt và sử dụng động vật hoang dã trái phép trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn (hơn 172.000 ha rừng), đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực Đông Nam Bộ. Trên địa bàn tỉnh, các loài động vật hoang dã chủ yếu sinh sống ở Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai.
Trong đó, Vườn quốc gia Cát Tiên có trên 1.500 loài động vật, trong đó hơn 110 loài nguy cấp quý hiếm, trên 40 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trong nước và trên toàn cầu như: Voi, bò tót, gấu ngựa, tê tê; trong số này có 38 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có hơn 1.800 loài động vật, trong đó có trên 140 loài nguy cấp, quý, hiếm; 22 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, nhiều loài động vật được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như: Voi, báo gấm, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám...
Lực lượng kiểm lâm tại VQG Cát Tiên chú trọng công tác tuần tra bảo vệ rừng, động vật hoang dã.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, tỉnh đang triển khai Dự án khẩn cấp bảo tồn voi và phát huy hiệu quả tốt. Năm 2014, số lượng voi rừng ở Đồng Nai là khoảng 14 đến 16 cá thể; đến nay dữ liệu bẫy ảnh xác định được khoảng 25 đến 27 cá thể.
Đồng Nai đã và đang áp dụng 5 biện pháp hướng đến chung sống hài hòa với voi rừng, đó là: xây dựng 75km hàng rào điện để hạn chế voi ra khỏi rừng; đào 6 chảo nước, cấp muối khoáng để voi có nước uống và tắm; xây 3 chòi quan sát voi; đầu tư 8 bảng tuyên truyền, cảnh báo voi; thành lập 8 tổ, đội phản ứng nhanh để xua đuổi voi rừng xâm hại. Ngoài ra, tại Dự án điều tra bầy Voọc chà vá chân đen trên núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) đã xác định được 7 đàn Voọc đang sinh sống với số lượng gần 160 cá thể.
Những năm qua, các đơn vị ở Đồng Nai làm tốt công tác bảo vệ nơi cư trú động vật rừng, ngăn chặn hiệu quả tình trạng săn bắt, mua bán trái phép động vật hoang dã; bảo tồn được các loài động vật hoang dã, đặc biệt là đàn voi châu Á, Voọc chà vá chân đen, giám sát bằng bẫy ảnh đánh giá bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm. Đồng Nai đã tiếp nhận chăm sóc, cứu hộ và thả, tái thả hàng nghìn cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. Các đơn vị ở Đồng Nai triển khai các dự án cải tạo sinh cảnh cung cấp nước uống, muối khoáng cho động vật hoang dã; xây dựng trung tâm cứu hộ gấu, linh trưởng.
Công tác bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều biến chuyển tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế như ý thức bảo vệ động vật hoang dã của một số người dân chưa cao, tiến hành các hoạt động nhỏ lẻ vào rừng để săn bắt, có người còn tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, thậm chí gây thương tích cho cán bộ kiểm lâm.
Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, từ năm 2020 đến nay, lực lượng kiểm lâm đã xử lý vi phạm hành chính và hình sự 95 vụ vi phạm pháp luật về động vật hoang dã, qua đó tịch thu 1.200 cá thể, hơn 43 kg sản phẩm động vật rừng các loại. Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở gây nuôi trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng lợi dụng gây nuôi nhập động vật trái phép từ tự nhiên.
Công tác tái thả động vật hoang dã về với môi trường tự nhiên được ngành chức năng tỉnh đặc biệt chú trọng triển khai (Ảnh minh họa).
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền vận động thực hiện chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” sẽ diễn ra từ tháng 8-2024 đến tháng 3-2025. Cụ thể, địa phương này sẽ tổ chức sự kiện khởi động chuỗi hoạt động “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” và hội nghị thảo luận giải pháp và thông qua kế hoạch tăng cường thực thi pháp luật trong phòng, chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép.
Tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao năng lực và hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh (tổ chức 3 hội thảo cấp huyện và 4 hội thảo cấp xã về tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực và hiệu quả phòng, chống săn bắt và buôn bán động vật hoang dã).
Trong chuỗi hoạt động còn có chiến dịch “Tỉnh Đồng Nai nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép” gồm: ấn phẩm tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động cộng đồng không sử dụng động vật hoang dã trái phép, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và triển khai chuỗi hoạt động vận động nhà hàng và cơ sở kinh doanh ăn uống. Chương trình thúc đẩy việc phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng ảnh hưởng trực tiếp bởi nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép; khảo sát đánh giá hiệu quả thực hiện chuỗi hoạt động trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng vùng đệm đối với vấn đề bảo tồn động vật hoang dã…
Mục tiêu của việc triển khai thực hiện chuỗi hoạt động nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo quản lý điều hành của chính quyền các cấp, phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong việc chấm dứt sử dụng động vật hoang dã trái phép và phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh. Xây dựng tỉnh Đồng Nai trở thành một trong những địa phương tiên phong trong việc không sử dụng động vật hoang dã trái phép trên cả nước…/.
Khánh Ly
Bình luận