Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 15:01
Chủ nhật, 15/12/2024 22:12
TMO – Phương tiện vận chuyển, công tác thu gom, hạ tầng cơ sở…thiếu tính đồng bộ được xem là một trong những bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt.
Theo số liệu của cơ quan chức năng, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trong năm 2019 là 64.658 tấn/ngày (trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày, nông thôn là 28.394 tấn/ngày). Đến nay, lượng CTRSH phát sinh đã tăng lên gần 67.900 tấn/ngày (trong đó lượng rác tại đô thị là hơn 38.143 tấn/ngày, nông thôn hơn 29.734,30 tấn/ngày).
Về kinh phí phục vụ công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH hiện mỗi ngày, toàn quốc phát sinh khoảng gần 67.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt, nhưng khoảng 65% tổng lượng chất thải lại đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Trung bình mỗi ngày, cả nước phải chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ CTRSH phát sinh (tương đương khoảng 1.222,75 triệu USD/năm). Đây là con số không hề nhỏ với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, hiện nay công tác quản lý CTRSH vẫn còn nhiều thách thức như: Việc triển khai phân loại rác tại nguồn chưa đồng bộ tại các địa phương; chưa cung cấp đủ dịch vụ thu gom tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi; thiếu thiết bị thu gom vận chuyển đáp ứng yêu cầu; thiếu địa điểm tập kết, trung chuyển đáp ứng quy định dẫn đến tồn đọng CTRSH kéo dài gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân.
(Ảnh minh họa)
Trong khi đó cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên cả nước hiện mới có 1.548 cơ sở. Trong đó, cơ sở chôn lấp là 1.178 cơ sở (chiếm tới 76,10%), trong đó có nhiều cơ sở không hợp vệ sinh; cơ sở đốt CTRSH là 340 cơ sở, chiếm 21,96%. Số còn lại là cơ sở xử lý CTRSH thành mùn/phân hữu cơ là 30 cơ sở, chiếm tỷ lệ rất thấp là 1,94%.
Đơn cử như Hải Phòng, dù đã tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thế nhưng thực tế triển khai cũng còn khó khăn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại địa phương này hiện nay là 1.950 tấn/ngày. Để thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng đã thiết kế, in sổ tay và tờ rơi hướng dẫn phân loại tới tay người dân, song việc triển khai còn lúng túng. Nguyên nhân, hiện còn nhiều bất cập giữa chính sách và thực tế phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Bên cạnh đó, phương tiện vận chuyển, thu gom hạ tầng phục vụ việc phân loại, tái chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố Hải Phòng cũng chưa đồng bộ…
Dưới góc nhìn của các chuyên gia, công tác quản lý CTRSH còn nhiều hạn chế. Cụ thể: Thứ nhất, việc thu gom, xử lý chất thải rắn tại các khu nông nghiệp, khu vực nông thôn bằng hình thức chôn lấp, hiện nay còn rất là cao, chiếm tới 64 %. Thứ hai, nhiều địa phương còn tồn tại các bãi rác thải tạm, bãi rác thải trung chuyển và lò đốt rác của chúng ta cũng không đạt yêu cầu. Thứ ba, nhiều bãi chôn lấp rác thải ở một số thành phố đã quá tải và nguy cơ là ô nhiễm môi trường thường xuyên, vấn đề này gặp rất nhiều phản ánh từ người dân.
Các chuyên gia nhận định, khối lượng CTRSH có xu hướng phát sinh tăng hơn gấp đôi trong vòng 15 năm tới, thậm chí nhanh hơn tại các khu vực đô thị. Với mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực từ chính sách đến thực tiễn trong quản lý chất thải rắn (CTR) nói chung, đặc biệt trong công tác phân loại tại nguồn, hướng đến áp dụng hệ thống xử lý chất thải tiên tiến. Theo đó, việc cải tiến quy trình, hệ thống và chất lượng thu gom, vận chuyển CTRSH sao cho tương thích là hoàn toàn cần thiết. Các đề xuất quy trình thu gom, vận chuyển CTRSH sau đây được dựa trên kịch bản giả định cho sự phát triển hệ thống quản lý CTR ở Việt Nam.
Tại khu vực đô thị
Các chuyên gia đưa ra 2 phương án, với phương án 1: Chất thải chưa được phân loại tại nguồn, được đỗ hỗn hợp. Việc tối ưu hóa hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH bao gồm cải tiến trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển; sử dụng các trạm trung chuyển trước khi vận chuyển đến các bãi chôn lấp hợp vệ sinh hay nhà máy xử lý chất thải và tuân thủ đầy đủ quy định về môi trường. Ngoài việc phân loại các vật liệu tái chế trong quá trình thu gom và vận chuyển, hệ thống này không bao gồm bất kỳ biện pháp xử lý và/hoặc giảm thiểu nào khác. Với mô hình này việc thu gom tiếp tục thực hiện theo hình thức thu gom sơ cấp và thu gom thứ cấp như hiện tại.
Điểm mới trong quy trình này đó là bổ sung thêm các điểm trung chuyển chất thải đáp ứng đầy đủ điều kiện về trang thiết bị, đảm bảo yêu cầu vệ sinh, môi trường. Các trạm trung chuyển là cơ sở để phân loại chất thải lần 2 (lần 1 là phân loại tại hộ gia đình, cơ sở thương mại, trường học…) trước khi chất thải được đưa tới các nhà máy xử lý hoặc được xử lý tại bãi chôn lấp. Đây là một mắt xích quan trọng trong hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải ở các đô thị. Thực trạng thiếu các trạm trung chuyển chất thải như đã đề cập tại phần trên là một nhược điểm lớn cần nhanh chóng khắc phục nếu tiến hành thực hiện phương án này, giúp tăng cường hiệu quả và giảm thiểu chi phí trong quá trình vận chuyển.
Ở phương án 2: Giảm chất thải, nâng cao hiệu quả phân loại chất thải tại nguồn. Theo đó, với việc phân loại chất thải thành 3 dòng chất thải như được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường: Chất thải có thể tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải khác, sẽ cần thiết lập hệ thống thu gom riêng biệt phù hợp với khối lượng và đặc điểm chất thải phát sinh. Với chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng cần mở rộng và chuyển dần hệ thống thu gom phi chính thức như hiện nay thành nhóm thu gom chính thức, tức là có sự quản lý, đầu tư và vận hành theo sự quản lý của cơ quan nhà nước. Đối với chất thải hữu cơ sẽ xây dựng hệ thống thu gom chuyên biệt phục vụ sản xuất phân compost. Đối với nhóm chất thải hỗn hợp còn lại sẽ được thu gom theo mô hình sơ cấp, thứ cấp. Việc vận hành 3 hệ thống thu gom này là hoàn toàn độc lập.
Tại khu vực nông thôn
Qua việc rà soát hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH ở khu vực nông thôn, có thể thấy về cơ bản quy trình thu gom, vận chuyển được thực hiện theo quy trình chung, được chia thành mô hình thu gom sơ cấp và thu gom thứ cấp. Hệ thống thu gom,vận chuyển CTRSH tại nông thôn cần được cải tiến và đầu tư một số nội dung thực hiện phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của khu vực này. CTRSH được phân loại tại hộ gia đình tại khu vực nông thôn gồm chất thải hữu cơ và chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế. Với nhóm chất thải hữu cơ cần tăng cường tối đa hiệu quả xử lý bằng các phương pháp như ủ phân hữu cơ. Đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế tiếp tục thực hiện việc phân loại và thu mua phế liệu theo hệ thống thu gom ở khu vực phi chính thức. Với chất thải còn lại nâng cấp quy trình thu gom thứ cấp. Để đảm bảo hiệu quả thu gom, vận chuyển CTRSH ở nông thôn, trong quy trình thu gom cần bổ sung yêu cầu bắt buộc các địa phương bố trí quỹ đất để đầu tư, xây dựng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải trước khi được vận chuyển lên xe tải đi xử lý. Các trạm trung chuyển phải được đầu tư xây dựng hệ thống tường bao quanh, có mái che, có hệ thống xử lý nước rỉ rác, khí thải...
Theo các chuyên gia, để phát triển và vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH ở đô thị và nông thôn như đề xuất ở phần trên, việc đầu tư kinh phí để trang bị thiết bị, phương tiện cũng như xây dựng hệ thông quản lý trong đó con người là trung tâm là yếu tố cơ bản cần xem xét tới. Kinh nghiệm của các nước cho thấy chi phí đầu tư để vận hành hệ thống thu gom thường rất lớn, chiếm phần lớn trong tổng chi phí cho hệ thống quản lý CTRSH. Vì vậy để triển khai hệ thống thu gom, vận chuyển, đặc biệt là hệ thống thu gom theo chất thải được phân loại thì các thành phố, đô thị cần đầu tư hệ thống trang thiết bị, phương tiện lớn cũng như có nguồn tài chính ổn định để duy trì và vận hành hệ thống thu gom, vận chuyển CTRSH. Đối với hệ thống thu gom có phân loại, việc đầu tư thì sử dụng các phương tiện như xe vận chuyển yêu cầu số lượng nhiều hơn. Trong khi đối với chất thải tái chế, chất thải cồng kềnh hay chất thải hữu cơ thì phương tiện vận chuyển phải là phương tiện đặc chủng, chuyên dụng.
Để vận hành một hệ thống thu gom, vận chuyển hoạt động bình thường thì các đô thị, thành phố, chính quyền các địa phương cần đầu tư xây dựng hệ thống quản lý, vận hành chuyên nghiệp, đầu tư, nâng cao trình độ cán bộ quản lý. Một nội dung khác cần quan tâm đó chính là sự kết nối giữa hoạt động thu gom, vận chuyển và hoạt động xử lý CTRSH. Các phương pháp xử lý CTRSH phải được phát triển, quy hoạch phù hợp, gắn kết chặt chẽ với việc phân loại, thu gom, vận chuyển CTRSH. Có như thế hoạt động quản lý CTRSH mới đạt được hiệu quả cao nhất.
PHẠM DUNG
Bình luận