Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ tư, 19/07/2023 08:07
TMO - Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ và nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã thực hiện Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG) trên 9/9 địa bàn cấp huyện trong tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, đến hết tháng 6/2023 Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai và đưa vào vận hành, khai thác phục vụ mục tiêu quản lý và giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử.
Sở TN&MT tỉnh đã số hóa và đưa CSDL địa chính vào hệ thống 1.254.830 thửa đất tại 173/173 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó: huyện Yên Bình 353.896 thửa, huyện Lục Yên 363.237 thửa, huyện Văn Yên 73.898 thửa, huyện Trấn Yên 241.924 thửa, huyện Văn Chấn 14.921 thửa, huyện Mù Cang Chải 8.227 thửa, huyện Trạm Tấu 36.611 thửa, thành phố Yên Bái 112.237 thửa, thị xã Nghĩa Lộ 49.879 thửa.
Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) đã trang bị cho Hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Yên Bái đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin, máy móc trang thiết bị như Hệ thống xếp hàng, lấy số tự động tại bộ phận "một cửa" hành chính công cấp huyện. Ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin đất đai (VBDLIS) để giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Yên Bái đã thực hiện kết nối đầy đủ liên thông thuế điện tử giữa phần mềm VBDLIS với cơ quan thuế tại 9/9 huyện, thị, thành phố. Đến đầu tháng 7/2023, 9/9 chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện đã gửi phiếu chuyển thông tin thuế 100% theo hình thức điện tử với 3.936 phiếu chuyển điện tử trao đổi thông tin với cơ quan thuế.
Sở TN&MT tỉnh nâng cao hiệu quả công tác số hóa dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh.
Kết quả cho thấy hiệu quả rõ rệt từ việc xây dựng CSDL đất đai và ứng dụng phần mềm VBDLIS vào khai thác, vận hành để thực hiện các nghiệp vụ, thủ tục hành chính về đất đai, cho phép các chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hỗ trợ nhau về nghiệp vụ mà không bị hạn chế nhân sự và không gian địa lý; việc luân chuyển hồ sơ giữa bộ phận "một cửa" hành chính công, văn phòng đăng ký đất đai và cơ quan thuế không bị hạn chế bởi không gian và thời gian...; người dân không phải tiếp xúc nhiều với cán bộ, viên chức xử lý hồ sơ nên giảm được chi phí và tránh phiền hà...
Việc kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia khác cần có thời gian và lộ trình để cập nhật, làm giàu, làm sạch dữ liệu, vận hành (đảm bảo dữ liệu sống) và kết nối liên thông với các cơ quan hữu quan góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của địa phương, từng bước chuyển đổi dịch vụ công đất đai từ trực tiếp sang trực tuyến, giúp cắt giảm triệt để các thủ tục hành chính cả vể trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết và kinh phí... nhằm phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Để đảm bảo xây dựng thành công và vận hành tốt Hệ thống thông tin đất đai một cách "tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông” theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, ngành tài nguyên và môi trường Yên Bái xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới và cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị liên quan đến công tác xây dựng và vận hành CSDL đất đai để chỉ đạo quyết liệt. Tiếp tục phối hợp với bộ phận "một cửa" hành chính công, Công an tỉnh và Cục Thuế tỉnh trong việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu và khai thác sử dụng các CSDL dùng chung theo mục tiêu chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh đó là việc bổ sung, kiện toàn bộ máy, đào tạo lại cán bộ, viên chức về nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Mặt khác, ngành cũng đang tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ địa chính đối với các huyện chưa được đo đạc bản đồ chính quy để đảm bảo cơ sở cho việc xây dựng CSDL đất đai một cách đầy đủ.
VB
Bình luận