Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 06:01
Thứ sáu, 30/12/2022 11:12
TMO - Phân loại rác tại nguồn, tái chế rác tài nguyên là mục tiêu lớn trong tiến trình xây dựng thành phố môi trường mà thành phố Đà Nẵng đang đẩy mạnh triển khai. Thời gian qua, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, nhận thức về việc phân loại rác thải tại nguồn trong cộng đồng dân cư đã được nâng cao, theo đó nhiều mô hình tái chế, phân loại rác được thực hiện.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại được thu gom, tái chế năm 2022 là hơn 1.717 tấn rác tài nguyên được thu gom. Ngoài ra, Đà Nẵng còn có khối lượng rác nguy hại được thu gom sau phân loại là khoảng 330.922 kg, chủ yếu là pin, bóng đèn. Tổng khối lượng chất thải rắn xây dựng và rác cồng kềnh, kích thước lớn khoảng 5.082 tấn. Số liệu được UBND các quận huyện và các hội đoàn thể tổng hợp, tính đến hết năm 2022, khoảng 89,46% số hộ gia đình, 88,91% số tổ dân phố, 226/226 trường học chiếm tỷ lệ 100%, 79,69% cơ sở, sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn và 100% cơ sở y tế đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong năm 2022, các cấp ngành, các địa phương, đơn vị trên toàn thành phố đã tổ chức 350 lễ phát động triển khai kế hoạch; 499 buổi tập huấn, đào tạo kỹ thuật thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 60 hội thi, ngày hội thu đổi chất thải tài nguyên và 861 đợt truyền thông qua kênh xã hội, qua đó thu hút sự quan tâm của tổ chức, cộng đồng với hơn 145.490 lượt người tích cực tham gia phân loại rác thải tại nguồn.
Việc triển khai phân loại rác tại nguồn được đông đảo các lực lượng trên địa bàn thành phố hưởng ứng
Cùng với công tác tuyên truyền, UBND thành phố chỉ đạo ngành chức năng đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tính đến tháng 12/2022, có hai dự án Trạm trung chuyển rác đã hoàn thành thi công xây dựng, đang triển khai công tác nghiệm thu và hoàn tất thủ tục vận hành thử nghiệm, gồm Trạm trung chuyển rác thải tại khu vực đường Lê Thanh Nghị và Trạm trung chuyển rác thải khu vực Sơn Trà...
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành, UBND các quận, huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xúc tiến các dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế về tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, quản lý rác thải nhựa. Qua đó, đã thiết lập được nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu từ các tổ chức đối tác trong và ngoài nước và các chuyên gia địa phương trong công tác triển khai các giải pháp, các sáng kiến về quản lý rác thải ở thành phố Đà Nẵng.
Trước đó, UBND thành phố đã phê duyệt tiếp nhận dự án “Thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải (3R) tại TP. Đà Nẵng trong khuôn khổ chương trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý chất thải rắn đô thị của thành phố Yokohama (Nhật Bản) đến năm 2024” do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với tổng kinh phí 15,63 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố đang triển khai dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ; dự án “Xây dựng mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang” với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tài trợ,...
Thông qua hợp tác quốc tế, nhiều mô hình được triển khai thực hiện tại các địa phương. Ảnh: TD
Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố vẫn còn khó khăn, vướng mắc từ trong khâu định hướng và xây dựng kế hoạch năm, phương thức chung về tổ chức phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt, đến việc triển khai tại các hộ gia đình, cá nhân ở địa phương, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, các trường học. Về công nghệ xử lý rác thải của thành phố, hiện nay chỉ mới có một giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh; các dự án xử lý với công nghệ khác từ nay đến năm 2025 mới xác định đầu tư - vận hành; do đó, hiện tại chưa thể quyết định các thành phần chi tiết rác thải đối với nhóm chất thải thực phẩm và nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác.
Năm 2023, cũng là năm thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nói riêng, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản thiên nhiên - đa dạng sinh học nói chung. Theo đó, các ngành chức năng sẽ xây dựng và tổ chức các chương trình truyền thông đặc thù cho từng nhóm đối tượng trong thực hiện để phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cũng tranh thủ tối ưu hoạt động truyền thông qua hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và đơn vị thu gom chia sẻ các tài liệu hướng dẫn giảm rác và phân loại rác tại nguồn, các câu hỏi thường gặp và lan tỏa các câu chuyện hay, kết quả các chiến dịch/chương trình phân loại rác tại nguồn.
Thu Hà
Bình luận