Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 12:01
Thứ bảy, 26/11/2022 05:11
TMO - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.
Theo kết quả tổng hợp của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 11 tháng của năm 2022, tại tỉnh Đắk Nông đã xảy ra 440 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ khai thác rừng trái phép. Đặc biệt, tại Đắk Nông đã xảy ra 308 vụ phá rừng trái pháp luật, làm thiệt hại 63ha rừng các loại. Đắk Nông là tỉnh có số vụ phá rừng lớn thứ tư cả nước.
UBND tỉnh Đắk Nông đã ra văn bản yêu cầu 14 chủ dự án bồi thường thiệt hại số tiền trên 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 3 đơn vị nộp tiền bồi thường thiệt hại số tiền hơn 567 triệu đồng; các đơn vị còn lại chưa thực hiện việc bồi thường thiệt hại. Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đang phối hợp Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh báo cáo trung ương hướng dẫn chế tài xử lý đối với những doanh nghiệp không chấp hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về rừng cho Nhà nước.
Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; đồng thời chấn chỉnh trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017.
Đắk Nông là tỉnh có số vụ phá rừng lớn thứ tư cả nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có hơn 329.000ha rừng và đất quy hoạch là đất lâm nghiệp. Diện tích đất có rừng hơn 248.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,15%, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước. Đắk Nông đang đặt mục tiêu nâng cao độ che phủ rừng lên 40% vào năm 2025 và 42% vào năm 2030. Toàn tỉnh hiện có 6 đơn vị chủ rừng thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho người dân với tổng diện tích gần 11.500 ha. Đây được xem là cách làm hiệu quả để quản lý, bảo vệ rừng bền vững, đồng thời giúp người dân kiếm thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các đơn vị thực hiện giao khoán rừng, đất rừng cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các vùng đệm, thực hiện quản lý, bảo vệ bao gồm: Vườn Quốc gia Tà Đùng (huyện Đắk G’Long) hơn 3.000 ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (huyện Đắk R’Lấp) gần 3.500 ha; Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung (huyện Đắk Song) hơn 3.000 ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’Măng (huyện Đắk G’Long) hơn 900 ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ (huyện biên giới Tuy Đức) gần 900 ha; và Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (thành phố Gia Nghĩa) hơn 170 ha. Các hộ dân nhận quản lý, bảo vệ rừng được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đối với rừng thuộc lưu vực sông Đồng Nai hiện được áp dụng ở mức gần 1 triệu đồng/ha/năm; còn đối với rừng thuộc lưu vực sông Sêrêpốk được áp dụng mức 300.000 - 400.000 đồng/năm.
Nhằm tăng cường các biện pháp trong bảo vệ và phát triển diện rừng rừng, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 tỉ lệ độ che phủ rừng đạt trên 40% và đến năm 2030 là 42%... Tập trung nguồn lực để quản lý, bảo vệ tốt 196.285 ha rừng tự nhiên hiện có. Đến năm 2030 giá trị xuất khẩu lâm sản tăng 1,5 – 2 lần so với năm 2020, từng bước tiếp cận với thị trường thương mại carbon.
Tỉnh ủy đặt ra những yêu cầu cấp thiết cho các đơn vị chức năng khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, lực lượng chức năng tiến hành rà soát và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật và các tồn đọng trong giao đất, giao rừng. Các đơn vị được giao rừng tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm tất cả các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.
UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm về các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng hoặc để cho các tổ chức, cá nhân cấp dưới vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển và khai thác rừng, đất lâm nghiệp thuộc địa bàn quản lý... các ngành chức năng xác định khu vực trọng điểm, điểm nóng về khai thác, vận chuyển, phá rừng, lấn chiếm đất rừng; xây dựng phương án bảo vệ rừng sát với tình hình thực tế địa phương.
Bảo vệ và phát triển diện tích rừng được UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các địa phương phối hợp triển khai. Ảnh: Lê Hường
Mới đây, trước diễn biến bất thường của thời tiết nhằm hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng mùa khô năm 2022 - 2023. UBND tỉnh giao các đơn vị chủ rừng xây dựng phương án PCCC rừng theo quy định. Các đơn vị phải tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng; bố trí lực lượng tuần tra, canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào các khu vực có nguy cơ cháy cao…
UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp, phương án PCCC rừng theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo của ngành để kiểm tra, phát hiện điểm cháy rừng. Bên cạnh đó, hướng dẫn chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các biện pháp xử lý thực bì trong rừng trồng, sản xuất nông lâm nghiệp theo quy định về PCCC rừng.
UBND tỉnh giao các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp trong PCCC rừng, chủ động xây dựng phương án khi xảy ra sự cố. Các lực lượng thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về PCCC rừng. UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa tập trung đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan thực hiện nghiêm công tác bảo vệ rừng, PCCC rừng. Ngoài việc xây dựng phương án PCCC rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia PCCC rừng.
Đức Nam
Bình luận