Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 17:11
Thứ tư, 15/02/2023 13:02
TMO - Thời gian tới, tỉnh Đắk Nông sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh, qua đó nhằm xây dựng ngành hoa, cây cảnh từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Đắk Nông nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của khu vực Tây Nguyên, được đánh giá là điều kiện thuận lợi để kết nối thị trường nông sản với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Địa phương này còn có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, quỹ đất rộng lớn và màu mỡ, nguồn nước dồi dào... Đặc biệt, hệ thống Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.700km2, chiếm 72% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh, cùng với địa hình bát úp xen kẽ, những khe suối hợp thủy, điều kiện đất đai màu mỡ... là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Tuy không phải là cây chủ lực, song tiềm năng phát triển của ngành hàng hoa và cây cảnh tại Đắk Nông là rất lớn, cho hiệu quả kinh tế cao... Hiện nay, diện tích hoa và cây cảnh trên địa bàn tỉnh là 72ha, trong đó diện tích hoa khoảng 60ha, gồm các loại như: hoa lan, hoa hồng, hoa cúc, hoa ly... tập trung chủ yếu ở các huyện Cư Jút, Đắk R'Lấp, thành phố Gia Nghĩa, tổng diện tích cây cảnh lâu năm trên địa bàn tỉnh là khoảng 12ha tập trung tại huyện Cư Jút và Krông Nô.
Tỉnh Đắk Nông tập trung phát triển ngành hàng hoa và cây cảnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Với tiềm năng, lợi thế ở trên, thời gian tới tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung phát triển ngành hàng hoa và cây cảnh, với mục tiêu xây dựng ngành hoa, cây cảnh từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Trong đó, địa phương này phấn đấu đến năm 2030, diện tích trồng hoa, trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 400-500 ha, sản lượng trên 120 triệu cành/bông; diện tích trồng cây cảnh khoảng 100-200 ha, sản lượng khoảng trên 350 ngàn chậu/cây, tập trung chủ yếu tại các địa phương như: thành phố Gia Nghĩa, huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk R’lấp, Krông Nô. Các chủng loại hoa, cây cảnh được trồng cần được thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các loại hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu xây dựng nông thôn mới, các khu đô thị, khu công nghiệp,...
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên qua đó phát triển bền vững ngành hàng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, địa phương tăng cường công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống hoa, cây cảnh mới, tập trung các giống có chất lượng tốt, đặc trưng và phù hợp với điều kiện của tỉnh, thị hiếu người tiêu dùng để định hướng phát triển. Trong đó, nhóm hoa cắt cành tập trung ở các loại như: hoa cúc, hoa hồng, hoa layon, hoa loa kèn, hoa thược dược... Tuy nhiên, cần lưu ý đây là nhóm hoa sản xuất mang tính tập trung cao, đặc biệt phải chú ý đến cả khâu thu hoạch, bảo quản và vận chuyển.
Đối với nhóm hoa trồng chậu, hoa thảm, hiện nay một số loại hoa thuộc nhóm này được tiêu thụ với lượng lớn như: trạng nguyên, hồng môn, cúc mâm xôi, dạ yến thảo, cẩm tú cầu... Các loại hoa chậu, hoa thảm có thể trồng trong nhà lưới hiện đại hoặc đơn giản, cũng có thể trồng ngoài tự nhiên, có thể tạo thành vùng sản xuất tập trung.
Đa dạng các nhóm hoa, cây cảnh được định hướng phát triển trong sản xuất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Trong định hướng phát triển của tỉnh nhóm hoa, cây ăn quả làm cảnh nổi bật như: hoa đào, mai, quất cảnh, cam đường canh... đây là những loại cây lưu niên truyền thống gắn với văn hóa của người Việt Nam nhất là trong những dịp đầu năm mới. Đối với nhóm hoa lan, trên địa bàn tỉnh loại hoa này có thể trồng ở quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao như các loại lan hồ điệp, hoàng thảo công nghiệp. Những năm gần đây, nhiều giống hoa lan với quy trình và quy mô sản xuất công nghiệp đang được đẩy mạnh triển khai. Ngoài ra, địa phương này cũng định hướng phát triển nhóm cây cảnh phụ trợ (cây cành, lá trang trí).
Tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa, cây cảnh thông qua phối hợp cùng viện, trường, hội sinh vật cảnh, câu lạc bộ, nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, các doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh như: Hỗ trợ, chuyển giao các giống hoa, cây cảnh mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ của tỉnh; Hỗ trợ đưa các tiến bộ về canh tác như giá thể, phân bón, chế phẩm sinh học, kỹ thuật điều khiển thời điểm ra hoa; Kỹ thuật xử lý ra hoa đồng loạt; kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mới vào sản xuất.
Các kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch đối với hoa, cây cảnh như: quy trình thu hoạch để kéo dài tuổi thọ hoa, xử lý nhiệt độ, hóa chất, các loại bao gói chân không, bao gói điều chỉnh khí quyển, kỹ thuật cung cấp nước và dinh dưỡng cho hoa trong thời gian bảo quản. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao về hoa, cây cảnh, nhất là các mô hình nhà màng, nhà lưới phù hợp với điều kiện đầu tư của nhà vườn. Hiệu quả của mô hình giúp người dân tiếp thu và ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất.
Nhiệm vụ xúc tiến thương mại, tiêu thụ hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh cũng được nhấn mạnh triển khai với việc đẩy mạnh và phát triển thương mại điện tử, công tác cung cấp thông tin thương mại và thị trường thông qua công tác xây dựng website, logo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Đề ra các giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định cung cấp cho người tiêu dùng. Xây dựng kênh tiêu thụ ổn định, đa dạng thông qua các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn,…Hỗ trợ xây dựng các mô hình, cửa hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm. Thành lập các Hợp tác xã, các hiệp hội sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản xuất...
Thu Giang
Bình luận