Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Thứ bảy, 29/04/2023 12:04
TMO - Xoài là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, được xuất khẩu đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hướng đến mục tiêu mở rộng thị trường, nâng cao giá trị xuất khẩu, phát triển ngành hàng xoài bền vững đòi hỏi các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
Hiện nay cả nước có có hơn 115 nghìn ha xoài, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm nhiều nhất với 49.900 ha, sản lượng năm 2022 là 610 nghìn tấn/năm. Diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của cây xoài từng bước được nâng cao. Nông dân ngày càng có kinh nghiệm sản xuất. Bước đầu hình thành vùng sản xuất xoài tập trung, sản xuất hàng hóa, hình thành liên kết sản xuất tại một số tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Sơn La, Khánh Hòa…
Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xoài xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu xoài đạt 34,7 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Đồng Tháp hiện là tỉnh có diện tích trồng xoài đứng thứ 2 cả nước, sau Sơn La với khoảng 14.000 ha, diện tích cho trái 13.300 ha, sản lượng gần 137.000 tấn. Toàn tỉnh có 473 ha xoài đạt chứng nhận VietGAP và 33,1 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có 01 ha được chứng nhận hữu cơ. Việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho xoài cũng được ngành chuyên môn thực hiện; hiện có 12 sản phẩm OCOP (3 sao, 4 sao) từ xoài. Ngành hàng xoài tại địa phương này thời gian qua đã có bước tiến quan trọng, trong đó xoài được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, cả thị trường khó tính; xoài cũng được chế biến để nâng cao giá trị.
Hiện tỉnh Đồng Tháp được cấp 296 mã số vùng trồng xoài (tương ứng 8.228,4 ha). Đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số trong đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc trên nền tảng nông nghiệp số Việt Nam (VDAPES). Từ năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Cao Lãnh cho sản phẩm xoài. Nhiều nhà vườn đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, an toàn thực phẩm…, đạt yêu cầu xuất khẩu sang những thị trường như: Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Nga và Singapore.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng xoài, các địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong sản xuất, tiêu thụ. Ảnh: XH.
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành hàng xoài của nước ta vẫn còn một số hạn chế: Việc sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm; áp dụng quy trình sản xuất chưa tốt, khâu cắt tỉa, tạo tán còn yếu; thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ, giá bán biến động, không ổn định… Thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ, giá bán biến động, không ổn định; Yêu cầu về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu ngày càng tang; Sơ chế, chế biến, đa dạng sản phẩm từ xoài còn khiêm tốn; Hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, chưa có nghiên.
Theo nhận định của ngành chức năng, thời gian tới việc xuất khẩu xoài nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung có nhiều thuận lợi vì nhu cầu của thế giới tăng; xoài cũng như nhiều loại trái cây khác của nước ta sản xuất được quanh năm; các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và giá trị để thâm nhập vào những thị trường khó tính, có giá trị gia tăng cao.
Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài, các tỉnh cần rà soát, quy hoạch sản xuất tập chung, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi; có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và xuất khẩu xoài, các sản phẩm từ xoài; hình thành các tổ chức liên kết sản xuất xoài. Cùng đó, đẩy mạnh sản xuất có chứng nhận, sản xuất đáp ứng an toàn thực phẩm, cấp mã số vùng trồng; tiếp tục rải vụ sản xuất xoài; hỗ trợ chính sách phát triển ngành xoài về chuyển đổi số.
Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Người sản xuất áp dụng tốt quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình rải vụ xoài, áp dụng tốt cắt tỉa cành tạo tán, tỉa quả, tăng cường sử dụng phân hữu cơ; Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp bón phân, công nghệ số, tre phủ đất bằng tàn dư thực vật, thiết kế mương vườn hợp lý để có thể trữ nước trong mùa khô; Áp dụng phòng trừ tổng hợp trong phòng trừ sâu bệnh, tăng giải pháp bao trái hạn chế sâu bênh.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành liên quan nên tìm giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ xoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch. Đối với thị trường trong nước, các địa phương cần xây dựng thương hiệu. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm xoài, gắn với chỉ dẫn địa lý; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Trung Quốc là nước nhập khẩu xoài của Việt Nam nhiều nhất và hiện nay có nhiều thay đổi và quy định mới về nhập khẩu. Trong đó, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói; lô hàng xuất khẩu phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Để hạn chế rủi ro khi xuất khẩu xoài, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (Cục Bảo vệ Thực vật) khuyến nghị rà soát, quy hoạch vùng trồng xoài hàng hóa, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng. Sản xuất theo quy trình/tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP. Xác định thị trường xuất khẩu để xây dựng quy trình và tuân thủ nghiêm ngặt theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hồng Diệp
Bình luận