Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 06:11
Thứ sáu, 05/04/2024 12:04
TMO - Hiện nay, các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi của con người thông qua các dịch vụ mà rừng cung cấp, như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 14,86 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên hơn 10,12 triệu ha, rừng trồng là trên 4,73 triệu ha. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tháng 2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề án).
Một trong những mục tiêu của Đề án là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ. Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác trong nước đáp ứng tối thiểu 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050 nhu cầu nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi của con người thông qua các dịch vụ mà rừng cung cấp trong đó có gỗ, lâm sản ngoài gỗ.
Theo đánh giá của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đây là mục tiêu hoàn toàn đúng đắn, khi các nước cũng đang hạn chế xuất khẩu để phục vụ thị trường trong nước. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 500.000 ha trồng gỗ lớn. Không phải diện tích rừng trồng nào cũng có thể phát triển gỗ lớn. Nhiều địa phương có diện tích rừng lớn nhưng do lập địa, đất đai khó phát triển gỗ lớn. Tuy nhiên, Việt Nam rất phong phú về các loài keo hay nhiều loài bản địa rất tốt, cần lựa chọn được loài nào có thể phát triển thành gỗ lớn, ứng phó được thiên tai như mưa bão lớn.
Đề án cũng đưa ra nhiệm vụ phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng. Với mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán keo lai tạo thu nhập cho người dân. Thông thường, người dân trồng cây keo lai sau 5 năm là thu hoạch, nhưng nếu để đến 8 năm thì giá trị tăng gấp đôi. Trong 3 năm chờ gỗ lớn, các đơn vị này đưa ra giải pháp là trồng nấm linh chi dưới tán keo lai, sau 4 tháng có thể thu hoạch, như vậy một năm có thể thu hoạch 3 lần. Theo tính toán, 1m2 trồng nấm linh chi mang về doanh thu 10 triệu đồng.
Ngoài ra, phát triển du lịch dưới tán rừng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khai thác giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng. Tuy nhiên, để thúc đẩy loại hình du lịch này cần có các chính sách cho thuê dịch vụ môi trường rừng phát triển du lịch cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa; Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ngoài ra con người vừa là chủ thể, vừa là động lực, cần được đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức để họ tin tưởng, tự tin là có thể làm được. Đồng thời, ứng dụng công nghệ về marketing, bảo tàng điện tử…nếu áp dụng tốt cũng sẽ mang đến trải nghiệm tốt cho du khách.
Khai thác giá trị của hệ sinh thái rừng trong phát triển du lịch đang được các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, hiện cả nước có khoảng 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng; trong đó có 1,15 triệu hộ gia đình và cộng đồng quản lý 4,1 triệu ha, 136 công ty lâm nghiệp quản lý 1,7 triệu ha, 383 ban quản lý rừng đặc dụng quản lý 5,2 triệu ha, 24,284 người thuộc lực lượng bảo vệ rừng và 6.234 doanh nghiệp chế biến với hơn 500 nghìn lao động…
Giá trị sinh thái của rừng của Việt Nam đang cung cấp 31 triệu m3 gỗ nguyên liệu đáp ứng 75,6% nhu cầu sản xuất, phục vụ xuất khẩu bình quân hằng năm đạt 17 tỷ USD. Ngoài ra, cả nước có khoảng 2,6 triệu ha lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu hơn 500 triệu USD mỗi năm. Cùng với đó, các hoạt động du lịch (doanh thu khoảng 300 tỷ đồng/năm), dịch vụ môi trường rừng (thu 1.300 tỷ đồng/năm), dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon rừng đang có tiềm năng lớn đóng góp trung bình đạt doanh thu 4.000 tỷ đồng /năm.
Theo ước tính các nguồn thu từ hệ sinh thái rừng bao gồm: hỗ trợ khoán bảo vệ rừng tự nhiên, chi trả dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ lưu trú và hấp thụ các-bon rừng, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái rừng… đã mang lại khoảng 1,5 triệu đồng/ha/năm cho mỗi người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với việc khai thác giá trị rừng tự nhiên, giá trị sinh thái từ khu vực rừng trồng cũng mang lại khoảng 16 triệu đồng/ha/năm. Đây là những nguồn thu đáng kể phục sinh kế cho hàng triệu người dân sống bằng nghề rừng. Do vậy, việc triển khai Đề án trên với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể là giải pháp quan trọng để các địa phương phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Trần Tuấn
Bình luận