Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ hai, 20/05/2024 14:05
TMO - Mở rộng các nguồn thu từ rừng, tăng giá trị kinh tế của rừng, góp phần khôi phục chất lượng của các khu rừng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ðây là một hướng đi quan trọng nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng được tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (gồm diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng) là 161.177,0 ha; trong đó rừng tự nhiên là 55.043,9 ha, rừng trồng là 92.109,8 ha, rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng là 14.023,3ha; tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 37,8%. Ngoài tác dụng quan trọng trong việc phòng, chống xói mòn, rửa trôi, ngăn lũ ống, lũ quét và là tán che để phòng hộ đầu nguồn bảo vệ vùng hạ du Đồng bằng Bắc Bộ; rừng ở Bắc Giang còn có chức năng cung cấp gỗ, củi, dược liệu, nguồn sinh thủy cho người dân.
Rừng tự nhiên ở Bắc Giang có nhiều hồ đập, sông, suối, cây rừng nguyên sinh phong phú tạo cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch như: Hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, Suối Mỡ… Hiện rừng ở Bắc Giang có hơn 200 loài thực vật, nhiều chủng loại cây hỗn giao phong phú và động vật rừng quý hiếm đang được bảo tồn. Trong đó, có 47 loài thực vật; 51 loài động vật quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ; 06 loài các loài đặc hữu; 47 loài bị đe dọa theo Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của IUCN.
Những năm gần đây, phát triển lâm nghiệp luôn được Bắc Giang xác định là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, ngành Lâm nghiệp đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Nếu như trước đây để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc chính quyền các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân và đồng bào dân tộc thiểu số về hiệu quả của việc trồng rừng. Thì nay, do hiệu quả từ trồng rừng mang lại nên phong trào trồng rừng ở các xã, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã lan tỏa rộng khắp. Trồng rừng đã trở thành nghề chính và thực sự trở thành cây trồng giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Trước những giá trị, nguồn lợi từ việc khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, thời gian tới tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân, người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, danh lam thắng cảnh và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương; góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy, nâng cao giá trị đa dụng từ hệ sinh thái rừng.
Theo đó, địa phương này phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn để đảm bảo chủ động cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ. Phấn đấu sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác đến 2025 bình quân mỗi năm khai thác trên 1, 0 triệu m3 /năm, giai đoạn 2026-2030 bình quân khai thác trên 1,2 triệu m3 /năm; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tăng cường các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây dược liệu, các sản phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu là các loại cây dược liệu.
Từng bước hình thành được vùng trồng các loài cây dược liệu như: Ba Kích, Nấm Lim, Sa Nhân, Khôi Nhung..., là sản phẩm hàng hóa tại huyện Sơn Động; đến năm 2030, diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu đạt khoảng 400 ha. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của từng khu vực trong tỉnh gắn với phát huy có hiệu quả tri thức bản địa nhằm nâng cao giá trị gia tăng từ rừng, tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ; đến năm 2030 giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 20% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng.
Phát triển dịch vụ môi trường rừng trên cơ sở các quy định của Nhà nước và điều kiện thực tế của tỉnh; đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn từ dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật; triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng và giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh trên địa bàn theo quy định; tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm.
Phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững, tập trung tại các địa bàn có rừng, có tài nguyên và tiềm năng du lịch. Phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa, tri thức bản địa; mở rộng các loại hình du lịch, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và tri thức bản địa của cộng đồng địa phương.
Bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, phát huy giá trị tài nguyên du lịch và cảnh quan thiên nhiên, môi trường du lịch, nâng cao trình độ dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, thu hút khách du lịch. Xây dựng thương hiệu du lịch cộng đồng thông qua hình thành và phát triển các điểm du lịch cộng đồng. Phát triển du lịch cộng đồng trở thành loại hình du lịch mũi nhọn, bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các loại hình du lịch khác tại tỉnh. Phấn đấu đến 2030 khách du lịch đạt 3 triệu lượt người, trong đó khách lưu trú đạt 2 triệu lượt người. Doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân đạt 25%/năm. Tổng số lao động trực tiếp đạt trên 5.000 người.
Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; duy trì ổn định diện tích rừng đặc dụng với diện tích 13.510 ha; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam tại địa phương. Đến năm 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững; giai đoạn 2021 - 2025 có 10% và giai đoạn 2026 - 2030 có 20% diện tích rừng tự nhiên được nâng cấp chất lượng; nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo an ninh môi trường.
Cụ thể, tỉnh Bắc Giang sẽ ổn định vùng rừng nguyên liệu tập trung khoảng 80 nghìn ha (chiếm 74% tổng diện tích đất rừng sản xuất) đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt; hàng năm trồng khoảng 8.000-9.000 ha rừng trồng tập trung và khoảng 5- 6 triệu cây phân tán, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn chiếm 30% diện tích rừng trồng hàng năm; tăng tỷ trọng nguồn cung nguyên liệu gỗ hợp pháp từ rừng trồng của địa phương cho ngành chế biến gỗ và lâm sản; gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã số vùng trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; lũy kế đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 17.000 ha, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững3 đạt 20.000 ha; đến năm 2025, năng suất bình quân rừng trồng sản xuất đạt khoảng 22m3/ha/năm, đến năm 2030 đạt 25m3/ha/năm, sản lượng gỗ khai thác đạt 1,0 triệu m3 trở lên, trong đó 40% sản lượng gỗ khai thác rừng trồng được đưa vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu
Thực hiện điều tra, đánh giá, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng; nắm vững thông tin về các loài quý hiếm có giá trị kinh tế cao: Khu vực phân bố, loài, diện tích, trữ lượng,… từ đó đề xuất kế hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững theo tiềm năng, thế mạnh của từng sản phẩm, từng điều kiện cụ thể và phát huy tri thức bản địa của cộng đồng, người dân địa phương; Phối hợp các địa phương trong vùng như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên… hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tập trung, ưu tiên một số loài cây hiện có diện tích lớn, giá trị kinh tế cao trên đất lâm nghiệp hoặc dưới tán rừng; triển khai thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu đối với diện tích đủ điều kiện để đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định;
Từng bước hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tập trung phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thích hợp với yêu cầu sinh thái của mỗi loài, trong đó ưu tiên một số loài cây hiện có diện tích lớn, giá trị kinh tế cao trên đất lâm nghiệp hoặc dưới tán rừng như: vùng trồng cây ba kích, trà hoa vàng, giảo cổ lam, khôi, sâm Nam núi Dành,…;
Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm, ngư kết hợp như: mô hình vườn rừng, trại rừng; nuôi trồng, phát triển cây dược liệu, cây đa mục đích, chăn nuôi, thủy sản dưới tán rừng,... để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, tài liệu hóa, xây dựng quy trình, hướng dẫn kỹ thuật phổ biến và nhân rộng các mô hình thành công, hiệu quả; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tri trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh phù hợp với quy định của pháp luật; hằng năm tiến hành rà soát, phê duyệt bổ sung đầy đủ, kịp thời các đối tượng có sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định tại khoản 2, Điều 63 Luật Lâm nghiệp năm 2017; tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng đến năm 2025, tăng 20% so với năm 2020.
Địa phương này phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên tại các khu rừng.
Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên tại các khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử, khu bảo tồn và các khu rừng phòng hộ, như: Du lịch tâm linh, văn hóa - lịch sử - kiến trúc, Du lịch MICE, Du lịch sinh thái, trang trại, cây ăn quả, chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp, Du lịch thông minh và Du lịch ẩm thực. Các sản phẩm du lịch này sẽ được phát triển trên nguyên tắc đồng bộ và có sự liên kết chặt chẽ với nhau và xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của cộng đồng và do cộng đồng làm chủ;
Tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Việt Yên và Sơn Động; tiếp tục hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng khác; Tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh; du lịch trang trại nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm (Farmstay); du lịch ẩm thực, mua sắm; du lịch chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp (Wellness Tourism). Quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch cộng đồng của tỉnh, thông qua sử dụng công nghệ số trong du lịch (du lịch thông minh);
Tiếp tục khảo sát, đánh giá hiện trạng, tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, định hướng phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn 2023 - 2030. Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc cộng đồng văn hóa Bắc Giang. Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch con đường Hoằng Dương Phật Pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử;
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tổ chức thực hiện tốt các nội dung theo phương án quản lý rừng bền vững (7/11 chủ rừng là tổ chức) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp lâm nghiệp còn lại hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp. Đến 2025, tổng số diện tích rừng thực hiện phương án quản lý rừng bền vững khoảng trên 48.600 ha.
Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình cá nhân liên kết hình thành nhóm hộ để xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đẩy mạnh mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 đạt khoảng 20.000 ha.
Bảo vệ phát triển bền vững toàn bộ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là diện tích 55.000 ha rừng tự nhiên; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng; giữ ổn định diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ khoảng 32.000 ha; Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao nâng cao hiệu quả kinh tế tổng hợp trên một đơn vị diện tích.../
Lê Hồng
Bình luận