Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 19:11
Thứ tư, 06/03/2024 10:03
TMO – Hà Nội đặt mục tiêu giảm 3,5-4,5% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất, như dệt may, rượu - bia - nước giải khát, thép, nhựa; tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 80%; phấn đấu 60-70% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, năm 2023, các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được triển khai đảm bảo mục tiêu của kế hoạch. Cụ thể, khoảng 85% doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 60% doanh nghiệp tại các làng nghề được hướng dẫn, áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững, áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 100% siêu thị, trung tâm thương mại tuyên truyền không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Đặc biệt, chương trình đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: Khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía; thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; ngừng cung cấp ống hút nhựa, sử dụng ống hút được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…) tại các khu vực kinh doanh ăn uống…
Cần giải pháp thay đổi thói quen sử dụng túi nilon.
Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu: Giảm 3,5-4,5% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất, như dệt may, rượu - bia - nước giải khát, thép, nhựa; tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 80%; 85% các khu, cụm công nghiệp và 60% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tiếp tục phấn đấu: 60-70% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Xây dựng, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng bền vững; khuyến khích phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường, được dán nhãn sinh thái tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng túi nilon đã trở thành thói quen sinh hoạt của đại bộ phận người dân từ rất lâu bởi sự tiện lợi và có thể 'tái' sử dụng vào nhiều việc khác nhau. Còn đối với các tiểu thương, cửa hàng buôn bán kinh doanh, việc lựa chọn, sử dụng túi nilon khó phân hủy là do giá thành rẻ, nguồn cung dồi dào, phong phú, đa dạng nhiều chủng loại. Từ những thực tế này, để thay đổi chuyển sang sử dụng túi nilon thân thiện môi trường không phải là chuyện đơn giản mặc dù trong bối cảnh hiện nay Việt Nam và thế giới đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trưởng, ứng phó biến đổi khí hậu. Do đó, cần nghiên cứu, đánh giá và áp dụng giải pháp phù hợp để nâng cao tính khả thi, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện.
Hà Nội và TP. HCM là hai siêu đô thị được đánh giá có nhiều trung tâm thương mại, siêu thị và chợ truyền thống nhất so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước (chưa kể các chợ cóc, chợ tạm khác). Do dân cư đông đúc, hoạt động mua bán kinh doanh tại các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ mỗi ngày tại hai đô thị này rất nhộn nhịp. Đây được xem là một trong những nguồn phát thải lớn và tác động mạnh đến môi trường.
Bài tiếp: Khó khăn và giải pháp giúp thay đổi thói quen sử dụng túi nilon
PHẠM DUNG
Bình luận