Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 06:11
Thứ hai, 14/03/2022 20:03
TMO – Các hoạt động khai thác tài nguyên và biến đổi khí hậu là những tác nhân khiến môi trường sống của các loài động, thực vật thay đổi (đặc biệt là động vật hoang dã) nên việc xác định mức độ các loài bị tổn thương là rất quan trọng, buộc con người phải hành động.
Theo kết quả của công trình nghiên cứu thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, trong số 51 loài thú được đánh giá, có 18 loài được xác định mức độ tổn thương cao, trong đó cao nhất là nhóm linh trưởng. Trong các loài voọc xám, voọc mông trắng, voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, đặc biệt loài voọc xám có mức độ tổn thương cao nhất do khả năng thích ứng thấp, các yếu tố khí hậu trong vùng phân bố biến động mạnh và mức độ nhạy cảm cao.
Các loài có vùng phân bố nhỏ thường có biên độ sinh thái hẹp nên mức độ nhạy cảm sẽ cao. Các loài có kích thước quần thể nhỏ nhưng vùng phân bố rộng, trải dài trên nhiều vĩ độ có mức độ tổn thương thấp do chúng có biên độ sinh thái về các yếu tố nhiệt độ, lượng mưa cao như loài hổ, báo lửa.
Voọc mũi ếch là một trong những loài voọc xám có mức độ bị tổn thương cao nhất.
Đánh giá 50 loài chim cho thấy, có 16 loài được xếp ở mức độ tổn thương cao, trong đó cao nhất là loài vạc hoa, quắm lớn, ô tác, quắm cánh xanh, gà lôi Tam Đảo mào trắng, niệc cổ hung, trĩ sao… đều phân bố ở các khu vực trong tương lai các yếu tố nhiệt độ và lượng mưa thay đổi lớn.
Cá cóc Tam Đảo hiện phân bố ở vùng núi phía Bắc Việt Nam và một phần nhỏ ở phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trong tương lai, loài này sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh, giảm rõ rệt vào năm 2050 khi diện tích vùng bị thu hẹp gấp 12 lần diện tích vùng mở rộng thêm. Đến năm 2070, diện tích vùng mở rộng giảm đi gấp tới hơn 29 lần diện tích vùng mở rộng thêm, chiếm 70% tổng diện tích khu vực, trong khi phần mở rộng thêm chỉ chiếm 2%.
Với 288 loài thực vật được xem xét, có 93 loài được xếp ở mức độ tổn thương cao, trong đó cao nhất là loài ba gạc lá mỏng, cói túi ba mùn, trà hoa gilberb, huỳnh đàn lá đối do đều là các loài có mức độ nhạy cảm cao và phân bố ở các vùng sẽ có yếu tố nhiệt độ và lượng mưa thay đổi lớn.
Thông Đà Lạt là nguồn gen quý, hiếm, được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đánh giá thuộc nhóm sắp bị đe dọa. Hiện tại, cây này chủ yếu ở một số tỉnh Tây Nguyên và phía Đông Nam của Lào. Tuy nhiên, đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng rất lớn khi diện tích vùng phân bố bị thu hẹp gấp gần 11 lần diện tích được mở rộng.
Các chuyên gia cho rằng, các hoạt động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, mới bắt đầu thực hiện các nghiên cứu và triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới đa dạng sinh học như thiết lập hành lang đa dạng sinh học.
Hiện nay, việc nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới đa dạng sinh học, thông tin để đánh giá mức độ dễ bị tổn thương của các loài còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thông tin về địa điểm bắt gặp và đặc điểm sinh sản. Việc bảo quản hạt giống các loài mới chủ yếu được thực hiện với các loài cây trồng nông nghiệp.
Kiến thức về bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn tương đối mới đối với cán bộ các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Hạn chế nhận thức về vấn đề này có thể ảnh hưởng tới định hướng quy hoạch khu bảo tồn, đặc biệt là quy hoạch vùng đệm và hành lang đa dạng sinh học, xác định các loài nhạy cảm được ưu tiên bảo vệ.
Hệ thống khu bảo tồn đang khá manh mún, cách ly. Việc triển khai, thiết lập các hệ thống hành lang đa dạng sinh học còn nhiều khó khăn do vấn đề chính sách và tài chính. Cấp quốc gia đã có một số chương trình hành động bảo tồn cho nhóm loài quan trọng như chương trình bảo tồn tê tê, rùa, voi, linh trưởng, hổ nhưng chưa có một chương trình mang tính chất quốc gia nào hướng tới việc bảo tồn cho các loài dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu.
Lê Hùng
Bình luận