Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 03:01
Thứ ba, 01/08/2023 08:08
TMO - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là một trong những mục tiêu đột phá Đồng Nai đang thực hiện. Trong đó, nhiều địa phương của tỉnh đã quy hoạch các vùng nông nghiệp CNC, đầu tư về hạ tầng và nhiều chính sách khác để thu hút nhà đầu tư.
Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên gần 6.000km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp lên đến 70%; cùng với 60% dân số tập trung ở nông thôn. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những mục tiêu đột phá của tỉnh. Tỉnh có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào mô hình này, do đó, cần tiếp tục vận động hội viên, nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã rà soát và xác định được 98 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích hơn 18.970 ha. Trong đó, 7 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đáp ứng được các tiêu chí của Chính phủ để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, gắn với mục tiêu phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai.
Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình cây dược liệu Xáo Tam phân, Sa chi; mô hình nuôi lươn không bùn tại xã An Viễn, Sông Trầu; mô hình trồng chuối cấy mô gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Trung Hòa; mô hình trồng rau an toàn tại xã Phú Lâm, mô hình trồng bưởi da xanh xã Tà Lài, mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ, mô hình nuôi dê tại xã Phú Xuân; Mô Hình trồng rau thủy canh tại Phường Trảng Dài; nuôi trồng Đông trùng Hạ Thảo, phường Trảng Dài; trồng rau tưới tiết kiệm nước bằng hệ thống phun sương tại phường Tân Phong, xã Tân Hạnh...
Các vườn dưa lưới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao được mở rộng trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực trồng trọt toàn tỉnh đã có 45 mô hình tiêu biểu về ứng dụng CNC Các mô hình ứng dụng CNC đều có hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình sản xuất thông thường từ 2-3 lần. Cụ thể, sầu riêng có 5 mô hình ứng dụng CNC với diện tích 706 ha, thu lợi nhuận cao từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Về lĩnh vực thủy sản, đến nay toàn tỉnh có 77 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC tại huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành với tổng diện tích gần 156ha, cho lợi nhuận khoảng 600-800 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, tại huyện Cẩm Mỹ hiện nay đã phát triển một số mô hình trồng rau công nghệ cao, ứng dụng nhà màng nhằm sản xuất rau quanh năm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thực hiện Kế hoạch 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của Tỉnh uỷ và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh Đồng Nai về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025", Ban Thường vụ Hội Nông dân đã tỉnh xây dựng, ban hành Kế hoạch số 460-KH/HNDT ngày 17/5/2022 để triển khai đến Hội Nông dân các cấp trên địa bàn.
Theo đó mục tiêu phấn đấu của tỉnh Đồng Nai đến năm 2025: Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% tổng giá trị toàn ngành, xây dựng được từ 2 đến 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mỗi huyện, thành phố đều có các cơ sở nông nghiệp ứng dung công nghệ cao với quy mô doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác là những mô hình điển hình đề các địa phương, người sản xuất học tập kinh nghiệm, nhân rộng trong sản xuất, dự kiến từ 30 - 40 mô hình trên lĩnh vực nông nghiệp; có khoảng 30 - 40 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh Đồng Nai xác định tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI. Chính vì vậy, Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ năng suất cao, có chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm nhằm giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng những phương pháp ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, công nghệ thông tin …giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.
Thu Hằng
Bình luận