Hotline: 0941068156

Thứ tư, 11/09/2024 21:09

Tin nóng

Thủ tướng: Đảm bảo an toàn mới cho học sinh đến trường, lưu ý giữ gìn vệ sinh môi trường

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 100 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục thiệt hại do bão số 3

Quảng Ninh và Hải Phòng dồn toàn lực ứng phó bão số 3

Xuân Trường (Nam Định): 4 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Chủ động ứng phó hiệu quả thiên tai, dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục

[Cập nhật bão số 3] Bão có thể giật trên cấp 17, khu vực miền Bắc sẽ có mưa lớn

Bão giật cấp 14: Các địa phương khẩn trương triển khai phương án ứng phó

Hải Phòng: Cây thị gần 300 năm tuổi được công nhận là Cây Di sản Việt Nam

Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Cây muỗm cổ thụ hơn 360 năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Hải Phòng: Thêm 3 cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái làm Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường

Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm 3 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

Quảng Bình: Cây gạo cổ thụ hơn 500 năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Tân Sơn (Phú Thọ): Hai cây chò chỉ hơn nghìn năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thanh Hóa: Cây muỗm cổ thụ hơn 400 năm tuổi được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính năm 2024

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Đánh giá kỹ tác động của chính sách

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là khoáng sản nằm trong nhóm III

Sạt lở vùng ĐBSCL: Kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy cơ cao

Thứ tư, 11/09/2024

Mở rộng diện tích trồng, bảo tồn cây dược liệu

Thứ hai, 13/05/2024 14:05

TMO - Tỉnh Phú Yên hướng đến mục tiêu phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên nhất là các cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên địa bàn

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, Phú Yên có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp phát triển cây dược liệu. Một số loại có trữ lượng khá lớn như an xoa, sa nhân, chè dây, chè vằng; một số loài có tiềm năng phát triển như địa liền, hà thủ ô, ba gạc, hoàng đằng…

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, trên địa bàn Phú Yên, các loài cây trồng dược liệu chủ yếu theo từng tiểu vùng sinh thái. Tại tiểu vùng phía Nam và Đông Nam, các loại cây dược liệu phát triển tốt và có thể xem là thế mạnh của tỉnh như: Cỏ mực, diệp hạ châu, tần dày lá, hồng đài, sâm bố chính (nhân sâm Phú Yên), dây thìa canh, trinh nữ hoàng cung, xuyên tâm liên, dừa cạn, kim tiên thảo, lạc tiên tây, gừng, đinh lăng, đương quy, phan tả diệp...  Cùng với đó là các loại cây phân bố tự nhiên như sa nhân tím, cam thảo Đá Bia, cà gai leo, hương bài, lô hội, trinh nữ hoàng cung, thổ phục linh, ba kích, vằng đắng, hoằng đằng, nghệ, nấm linh chi... 

Tại tiểu vùng phía Tây đã xác định được 28 loài cây dược liệu có giá trị là thế mạnh của địa phương ở độ cao dưới 400m bao gồm: Sa nhân tím, địa liền, cà gai leo, hoài sơn, bụp giấm, dó trầm, cốt khí củ, trinh nữ hoàng cung, đinh lăng thiên niên kiện, tràm, nấm linh chi ở vùng núi thấp. Các vùng đất có độ cao trên 400m có những loại cây như: Quế, sa nhân tím, thổ phục linh, bình vôi, ba kích, vằng đắng, lá khôi, đảng sâm, lan kim tuyến.. 

Mô hình trồng cây dược liệu diệp hạ châu tại huyện Tuy An. 

Tại tiểu vùng cao nguyên Vân Hòa (Sơn Hòa - Tuy An) có 12 loài cây dược liệu là thế mạnh của vùng bao gồm: sâm cau, hà thủ ô, bình vôi, cỏ ngọt, nấm linh chi… Tiểu vùng sinh thái chuyển tiếp Krông Trai (Sơn Hòa) cũng sở hữu 19 loài cây dược liệu là thế mạnh của vùng bao gồm: Sa nhân tím, cà gai leo, sả, hương bài cốt toái bổ, địa liền, thảo quyết minh, dó trầm, tràm… Tại tiểu vùng sinh thái phía Bắc - Tây Bắc (Đồng Xuân - Sông Cầu) có 21 loài cây dược liệu là thế mạnh của vùng gồm: Sa nhân tím, ba kích, đinh lăng, nghệ, thiên niên kiện, dó trầm, thổ phục linh, bách bệnh, trà Mã Dọ…  

Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.450 loài thực vật bậc cao thuộc 761 chi và 177 họ, trong đó có 57 loài quý hiếm, đặc hữu. Đối với cây dược liệu, tỉnh có 213 loài; trong đó, loài đặc hữu của Phú Yên là cam thảo Đá Bia và dược liệu quý có thể kể đến như xáo tam phân, bá bệnh, mã tiền, ba gạc lá to, ba gạc lá nhỏ, vàng đắng, hoằng đằng, bình vôi, sâm cau… Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như quế, ba kích, sa nhân tím, sa nhân đỏ… 

Thời gian qua, một số địa phương và các ban quản lý rừng phòng hộ huyện: Đồng Xuân, Sông Hinh, Tây Hòa, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả đã trồng các loại cây dược liệu, bước đầu đạt kết quả khả quan. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, đơn vị này triển khai nhân giống thành công loài dược liệu quý là lan kim tuyến. Đơn vị đang trồng cây lâm sản ngoài gỗ (dưới tán rừng) giai đoạn 2021-2029 với diện tích dự kiến 900ha cây dó gạch và 266ha các loại lan gấm, sa nhân tím, sâm bố chính, quế, dó gạch, dổi.

Tại huyện Tây Hòa, từ năm 2018, xã Sơn Thành Tây trồng thí điểm sâm bố chính với diện tích khoảng 0,5ha. Loại cây này mang giá trị kinh tế, nên từ đó được nhân rộng trên địa bàn các xã: Sơn Thành Đông, Hòa Phú, Hòa Đồng, Hòa Mỹ Tây… Hiện tổng diện tích trồng sâm bố chính tập trung tại thôn Sơn Trường (xã Sơn Thành Tây) là 3ha.  Theo UBND huyện Tây Hòa, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện là 4ha và một số diện tích rải rác ở hộ dân. Ngoài ra, huyện cũng đang phát triển mạnh cây sâm nam, tập trung trên địa bàn xã Hòa Phú với diện tích khoảng 2,5-3ha. 

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, hiện nay một số loài dược liệu như tắc kè đá, vàng đắng... còn rất ít trong tự nhiên. Nguyên nhân là do quá trình khai thác, sử dụng thiếu bền vững. Do đó, các cấp, ngành liên quan cần sớm có giải pháp để bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh. Việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu trong lâm phần phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiếp tục huy động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp cùng góp vốn tham gia đầu tư thực hiện.

Thời gian tới, tỉnh Phú Yên đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050. 

Hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng trong phát triển vùng trồng và bảo tồn cây dược liệu trên địa bàn, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt Đề án phát triển cây dược liệu trên đất lâm nghiệp tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023-2030, định hướng đến năm 2050. Đây được xem là cơ sở để tỉnh trở thành một trung tâm cây dược liệu mới ở miền Trung.

Theo đó, thông qua việc triển khai đề án trên Phú Yên hướng tới phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu ở tỉnh trong điều kiện phát triển lâm nghiệp, nằm trong chương trình, kế hoạch tổng thể về phát triển lâm nghiệp nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng về điều kiện tự nhiên và xã hội để phát triển các vùng trồng dược liệu chuyên canh như Quế, Sa nhân, Ba kích, Địa liền, Thiên niên kiện..., gắn với bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn dược liệu tự nhiên nhất là các cây dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên địa bàn; khuyến khích mở rộng các vùng chuyên canh tiềm năng tại huyện Tuy An, Sơn Hòa và Đồng Xuân; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Bên cạnh đó, đề án tập trung ưu tiên phát triển dược liệu trong môi trường, dưới tán rừng và trên đất lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng. Đồng thời, kết hợp phát triển đa dạng các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và sử dụng tự túc của nhân dân miền núi.

Nhà nước hỗ trợ đầu tư về nghiên cứu và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Các cơ quan chuyên môn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển trồng dược liệu, đẩy mạnh xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, góp phần tăng dần tỉ trọng của ngành công nghiệp dược trong tổng sản phẩm nội địa; đảm bảo người dân sống gần rừng được chia sẻ lợi ích từ rừng và sống dựa vào nguồn thu nhập từ dược liệu để bảo vệ rừng, góp phần cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo. 

Đến năm 2030, Phú Yên phát triển vùng nguyên liệu trồng dược liệu (nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng) tập trung tại các tiểu vùng có điều kiện sinh thái phù hợp khoảng 20.000ha, thu hút khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia gây trồng và phát triển dược liệu được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ dược liệu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình. Đến năm 2050 phát triển ngành hàng dược liệu của địa phương trở thành ngành hàng mang thương hiệu mạnh, có giá trị sản xuất cao, tạo nguồn thu quan trọng và đưa Phú Yên trở thành trung tâm sản xuất dược liệu của vùng duyên hải Nam Trung Bộ…

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là công tác tuyên truyền. Các địa phương phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ về Đề án; hiểu đúng giá trị của tài nguyên dược liệu trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền sẽ giúp nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của phát triển dược liệu đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt là gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong vùng. 

 

 

Nguyễn Mai 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline