Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ tư, 26/07/2023 13:07
TMO - Tỉnh Bắc Giang xác định, việc mở rộng diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý bền vững sẽ tạo nguồn nguyên liệu gỗ trồng có nguồn gốc hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới. Qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế của gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, bảo vệ bền vững tài nguyên cũng như môi trường sinh thái.
Quản lý rừng bền vững là phương thức quản trị rừng bảo đảm đạt được các mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng, không làm suy giảm các giá trị và nâng cao giá trị rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm quốc phòng-an ninh... Chứng chỉ quản lý rừng bền vững là văn bản công nhận một diện tích rừng nhất định đáp ứng các tiêu chí về quản lý bền vững.
Tháng 10/2020, Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia (VFCS) đã chính thức được Hội đồng chứng chỉ rừng quốc tế (PEFC) công nhận. Ðây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn trong việc thực hiện quản lý rừng bền vững của Việt Nam, phù hợp thông lệ quốc tế, mở ra cơ hội cho các sản phẩm của ngành lâm nghiệp vươn ra thị trường thế giới. Mục tiêu Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là đến năm 2025 có 500.000 ha rừng có chứng chỉ và đến năm 2030 có một triệu ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Nhằm nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Bắc Giang đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Ảnh: SQ.
Bắc Giang là địa phương có diện tích rừng trên 160 nghìn ha. Trong đó, có hơn 55 nghìn ha rừng tự nhiên, trên 92 nghìn ha rừng trồng và khoảng 12 nghìn ha rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng. Nhằm nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính, năm 2020, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Thực hiện đề án, ngoài các công ty lâm nghiệp, hiện nay đã có một số doanh nghiệp quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các nhóm hộ để thực hiện cấp chứng chỉ FSC. Sau 3 năm thực hiện đề án, đến nay diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng lên hơn 12,6 nghìnha (đạt 74,11% kế hoạch). Trong đó các công ty lâm nghiệp hơn 4,5 nghìn ha, nhóm hộ hơn 8.000ha. Dự kiến trong năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí 486 triệu đồng để thực hiện 2 lớp tuyên truyền và hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC cho khoảng 1,5 nghìn ha.
Để thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2030, Sở NN&PTNT đã và đang thực hiện nhiều biện pháp như: Thu hút đầu tư nhà máy chế biến gỗ (nhất là chế biến sản phẩm tinh), thúc đẩy doanh nghiệp hỗ trợ liên kết để việc thành lập nhóm hộ, hợp tác xã trong sản xuất lâm nghiệp làm tăng quy mô sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC.
Tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng là tổ chức xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ để lập hồ sơ đề nghị đánh giá, cấp chứng chỉ. Cùng đó, tiếp tục thúc đẩy liên kết nhóm hộ để đẩy mạnh mở rộng diện tích rừng theo các tiêu chuẩn này. Đồng thời kiến nghị với Trung ương có chính sách hỗ trợ, trong đó mở rộng đối tượng hỗ trợ và nâng cao mức hỗ trợ để nhân rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững.
Ngành chức năng tỉnh tiếp tục thúc đẩy liên kết nhóm hộ để đẩy mạnh mở rộng diện tích rừng theo các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC.
Với diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC tạo thuận lợi cho chế biến, xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Qua thống kê, tỉnh có 992 cơ sở chiến biến gỗ, trong đó, 60 doanh nghiệp chế biến có đăng ký. 11 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sản phẩm đã qua chế biến ra nước ngoài. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp tham mưu xây dựng cơ chế chính sách trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang trồng kinh doanh gỗ lớn, đến năm 2030 chiếm 20% diện tích rừng trồng. Cùng với đó, phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Tỉnh đang hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng FSC, phấn đấu năm 2030, khoảng 17.000ha rừng được cấp chứng chỉ.
Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 nhấn mạnh đến mục tiêu ổn định vùng rừng nguyên liệu tập trung khoảng 80 nghìn ha (chiếm 74% tổng diện tích đất rừng sản xuất); hàng năm trồng khoảng 8.000 ha rừng trồng tập trung và khoảng 6 triệu cây phân tán, trong đó diện tích rừng trồng gỗ lớn chiếm 30% diện tích rừng trồng hàng năm; lũy kế đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 17.000 ha, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (do tổ chức quốc tế FSC hoặc Văn phòng chứng chỉ rừng Việt Nam cấp) đạt 12.500 ha; đến năm 2025, năng suất bình quân rừng trồng sản xuất đạt khoảng 22 m3 /ha/năm, sản lượng gỗ khai thác đạt 1,0 triệu m3 , trong đó 40% sản lượng gỗ khai thác rừng trồng được đưa vào chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.
Giai đoạn 2021-2025, tăng diện tích có phương án quản lý rừng bền vững thêm khoảng 8.000 ha; nâng tổng số diện tích rừng thực hiện phương án quản lý rừng bền vững khoảng trên 48.600 ha. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình cá nhân liên kết hình thành nhóm hộ để xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; đẩy mạnh mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, nâng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 đạt khoảng 12.500 ha.
Chứng chỉ rừng FSC là chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm do Hội đồng quản trị rừng quốc tế xây dựng với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Để có được chứng nhận đạt chuẩn FSC, các chủ rừng phải cung cấp và chứng minh bằng các hồ sơ, tài liệu chi tiết gồm: Nguồn gốc sản phẩm không nằm trong danh sách cấm; các chương trình đã triển khai và bản kế hoạch chi tiết về việc khai thác và trồng mới rừng; chương trình hành động nhằm bảo đảm lợi ích xã hội, môi trường và lợi ích cho người dân bản địa. Gỗ được cấp chứng chỉ được phép lưu thông rộng rãi tại các thị trường Bắc Mỹ, Châu Âu; giá trị sản phẩm tăng lên khoảng 10-15% so với các sản phẩm gỗ thông thường; thương hiệu của gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ được cấp chứng chỉ FSC, chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS/PEFC) được nâng cao.
Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn FSC đã mở ra những cơ hội mới cho các chủ rừng, góp phần quản lý và phát triển rừng bền vững, phòng, chống lũ lụt, bảo vệ môi trường và mang lại hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng.
Hà Phương
Bình luận