Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ hai, 06/03/2023 13:03
TMO - Tỉnh Phú Thọ xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương, trong đó việc trồng chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Phú Thọ là 353.456 ha, diện tích rừng là 140.648,8 ha (chiếm 39,8 % so với tổng diện tích tự nhiên), trong đó: Rừng đặc dụng 15.339,5 ha (chiếm 10,9% rừng); rừng phòng hộ 29.499,1 ha (chiếm 21%); và rừng sản xuất 95.810,2 ha (chiếm 68,1%). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,8%. Tỉnh Phú Thọ xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn.
Mục tiêu của ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 là giữ ổn định độ che phủ rừng là 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000 ha rừng cây gỗ lớn trong đó trồng mới 15.350 ha, chuyển hóa 4.650 ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 25.000 ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng 3.500 nghìn m3; năng suất rừng trồng đạt 15 m3/ha/năm.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; giữ ổn định độ che phủ rừng là 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000 ha rừng cây gỗ lớn; trong đó, trồng mới 15.350 ha, chuyển hóa 4.650 ha; hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho 25.000 ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng 3.500 nghìn m3; năng suất rừng trồng đạt 15 m3/ha/năm.
Tỉnh Phú Thọ tăng cường các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Ảnh: N.Liên.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện giải pháp đồng bộ từ khâu quy hoạch vùng trồng phù hợp; thực hiện tốt tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển kinh doanh gỗ lớn; các giải pháp kỹ thuật từ khâu chọn tạo giống, trồng chăm sóc, khai thác và chế biến; chính sách, chủ trương của nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia và khảo sát tại các hộ đã trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng gỗ nhỏ 7 năm tuổi cho năng suất 80 m3, sau khi trừ chi phí lợi nhuận 6 triệu đồng/ha/năm. Nếu trồng, chuyển hóa gỗ lớn 11 năm cho năng suất 150 m3 sau khi trừ chi phí lợi nhuận 12 triệu đồng/ha/năm, như vậy năng suất tăng gấp 1,5 lần, lợi nhuận tăng gấp 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ.
Tân Sơn là 1 trong các huyện có diện tích đất rừng đứng đầu của tỉnh Phú Thọ với gần 55.000 ha; trong đó, rừng sản xuất trên 30.000 ha. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tích cực vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân các xã trồng mới được trên 150 ha và chuyển hóa được trên 260 ha rừng gỗ lớn với sự tham gia của 100 hộ dân. Nhờ làm tốt tuyên truyền, nhận thức của người dân đã được nâng cao, tập trung tăng diện tích, nâng cao phẩm cấp rừng trồng, từ đó đem lại thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân.
Thanh Sơn là huyện có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, chiếm gần 70% tổng diện tích đất tự nhiên. Năm 2022, toàn huyện đã trồng trên 2.600ha rừng tập trung, hơn 300.000 cây phân tán, chuyển hóa 100ha cây gỗ lớn, khoán bảo vệ gần 10.000ha rừng tự nhiên, trồng trên 500ha rừng gỗ lớn. Theo kế hoạch, năm 2023, huyện được giao trồng mới gần 2.600ha rừng tập trung, trong đó trồng 650ha rừng gỗ lớn.
Tại huyện Cẩm Khê, theo kế hoạch năm 2023 địa phương phấn đấu trồng 450 ha rừng tập trung và trồng 210 nghìn cây phân tán. Đáng chú ý trong kế hoạch trồng rừng năm nay, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai trồng 150 ha rừng gỗ lớn tại các xã Tiên Lương (20ha), Phượng Vỹ (20ha), Tam Sơn (10ha), Văn Bán (20ha), Hương Lung (20ha), Phú Khê (5ha), Chương Xá (10ha), Văn Khúc (10ha), Yên Dưỡng (15ha), Đồng Lương(20ha).
Lực lượng kiểm lâm tại các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn.
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Phú Thọ vừa ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Với chính sách mới này, tất cả hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình sẽ được hỗ trợ lần 1 khi rừng đạt từ 6 năm tuổi trở lên và đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa gỗ lớn, mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha; hỗ trợ lần 2 sau 3 năm thực hiện hỗ trợ lần 1, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.
Đồng thời, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 1 lần 70% chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững; mức hỗ trợ tối đa 300 nghìn đồng/ha… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, tương xứng với tiềm năng sẵn có tại địa phương.
Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Phú Thọ đã và đang khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây quế. Đồng thời, huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gắn phát triển kinh tế đồi rừng với du lịch sinh thái để vừa thiết lập mối quan hệ giữa sản xuất, quản lý, bảo vệ với phát triển rừng bền vững, góp phần ổn định cuộc sống, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập, tiến tới làm giàu trên đất đồi rừng...
Nguyễn Hòa
Bình luận