Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ tư, 29/03/2023 13:03
TMO - Là vùng đất có nhiều giống dược liệu quý, những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã khuyến khích người dân trồng và mở rộng diện tích cây dược liệu, đồng thời, tổ chức hoạt động liên kết giữa nhà nông, nhà khoa học với doanh nghiệp, đưa vào thử nghiệm một số mô hình trồng, chế biến dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê, Lào Cai hiện có khoảng 850 loại cây thuốc trong tổng số trên 3.900 loại thực vật có công dụng làm thuốc, 70 loại cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn. Đặc biệt, tiềm năng đất rừng của Lào Cai với những cánh rừng già, rừng tự nhiên lâu năm có mức độ đa dạng sinh học cao và trữ lượng nhiều cây dược liệu tự nhiên quý hiếm và có giá trị y dược cao như: Sâm Ngọc Linh, Giảo cổ lam, Sa nhân tím, Tam Thất hoàng,… Tính đến hết năm 2022 tổng diện tích duy trì và trồng mới cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 3.549 ha; sản lượng ước đạt 18.161 tấn; giá trị thu nhập bình quân cả năm khoảng 100 - 110 triệu đồng/ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Thị xã Sa Pa.
Tại huyện Bắc Hà, vùng trồng dược liệu cây cát cánh có diện tích lên tới gần 100 ha góp phần mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân. Ảnh: BND.
Đánh giá, tiềm năng và cơ hội phát triển dược liệu của Lào Cai là rất lớn, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, 10 chủng loại cây dược liệu có thế mạnh sẽ được tỉnh ưu tiên phát triển như: Đương Quy, Xuyên Khung, Actiso, Đảng Sâm, Tam Thất… Vùng phát triển cây dược liệu được quy hoạch tập trung tại các huyện có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, phù hợp như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Si Ma Cai, Mường Khương và Văn Bàn.
Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh lên 22 chủng loại chính với diện tích đạt 3.700ha, sản lượng đạt khoảng 16.000-17.000 tấn/năm; 100% diện tích và sản lượng cây dược liệu của vùng quy hoạch đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO). Vì thế, việc trồng và chăm sóc dược liệu theo quy trình an toàn được nông dân, doanh nghiệp và ngành Nông nghiệp phối hợp đẩy mạnh triển khai.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, năm 2023 tỉnh sẽ trồng mới 890 ha cây dược liệu. Theo đó, diện tích dược liệu trồng mới được thực hiện tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa. Hiện nay, các địa phương đang tập trung đôn đốc, hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại, bảo đảm thời vụ và kế hoạch tỉnh giao.
Theo kế hoạch năm 2023, huyện Bắc Hà trồng 258ha dược liệu, trong đó riêng cát cánh gần 170ha, tiếp đến là mạch môn, đương quy và một số cây dược liệu khác như đan sâm, đẳng sâm, bạch chỉ, bạch truật… Tại huyện Bảo Yên, địa phương này phấn đấu mở rộng diện tích vùng trồng dược liệu lên 130ha, với một số loại cây trồng chính là sả, gừng, nghệ và chè dây. Huyện Bảo Yên đang thử nghiệm trồng cây khôi tía, một loại dược liệu cho giá trị kinh tế cao tại Tân Tiến - xã có điều kiện khí hậu, đất đai tương đối phù hợp với cây dược liệu này....
Mở rộng diện tích, đồng thời nâng cao chất lượng vùng trồng dược liệu giúp địa phương này khai thác hiệu quả tiềm năng.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Lào Cai là 1 trong 8 vùng trồng dược liệu có thế mạnh của Việt Nam. Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp địa phương.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh chú trọng phát triển sản xuất dược liệu gắn với hoạt động du lịch sinh thái, phát huy các thế mạnh của địa phương, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu gắn với thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra sản phẩm làm quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai. Đồng thời, xây dựng mới các mô hình theo hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu bền vững; tiếp tục chuyển giao công nghệ, khuyến nông đào tạo tập huấn cho nông dân về sản xuất dược liệu an toàn, chất lượng để đáp ứng yêu cầu thu mua của doanh nghiệp.
Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Lào Cai hướng đến mục tiêu ổn định và phát triển vùng trồng cây dược liệu đạt quy mô 4.000 ha. Trong đó, phát triển nhóm cây dược liệu trên đất hàng năm 1.500 ha; duy trì diện tích nhóm cây dược liệu lâu năm, cây dược liệu dưới tán rừng 2.500 ha. Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, góp phần nâng cao giá trị của cây dược liệu. Đồng thời hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.
Thu Uyên
Bình luận