Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ bảy, 01/04/2023 12:04
TMO - Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm đến gần 80% diện tích tự nhiên, tỉnh Lạng Sơn đang triển khai các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả lợi thế trên phát triển lâm nghiệp, nhất là trồng rừng gỗ lớn, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng tại địa phương.
Nhằm phát huy những lợi thế về đồi rừng, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã định hướng, vận động người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có trên 250.000ha rừng trồng. Một số địa phương hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng thông ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc với tổng diện tích 110.000ha; vùng trồng keo, bạch đàn tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng với diện tích hơn 31.200ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 63,7%.
Lạng Sơn đã chuyển hóa diện tích rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2021 - 2022 đạt gần 4.000ha. Sản lượng gỗ khai thác năm 2022 tăng 22% do trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích rừng sản xuất ngày càng lớn. Sản lượng nhựa thông khai thác tăng 19%, chủ yếu trên địa bàn huyện Đình Lập và Lộc Bình, do nhiều rừng trồng đã đến tuổi khai thác nhựa, cộng them, giá nhựa thông trong năm ổn định, dao động từ 28.000 – 34.000 đồng/kg nên các hộ gia đình tăng sản lượng khai thác để tạo thêm thu nhập.
Lạng Sơn đã chuyển hóa diện tích rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2021 - 2022 đạt gần 4.000ha. Ảnh: NT.
Thu nhập từ rừng của người trồng rừng ngày một cao hơn, nhất là trong thời gian qua, các huyện đã tập trung nâng tầm rừng sản xuất bằng hình thức chuyển dần diện tích trồng rừng gỗ nhỏ, rừng nguyên liệu sang rừng gỗ lớn, do vậy giá trị thu về tăng gấp 4 – 5 lần so với thời điểm năm 2020. Vì thế, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh tăng từng năm. Cụ thể, năm 2021, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp toàn tỉnh đạt 4.053 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng đã đạt gần 3.930 tỷ đồng. Năm 2022, giá trị ngành lâm nghiệp của tỉnh đạt 4.570 tỷ đồng, trong đó giá trị gỗ rừng trồng đạt gần 4.300 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung một số loài cây chủ lực, cây gỗ lớn như: Vùng trồng thông ở các huyện: Lộc Bình, Đình Lập và Cao Lộc, với tổng diện tích 110.000ha; vùng trồng keo, bạch đàn tại các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng... với diện tích hơn 31.200ha... Một số sản phẩm gỗ của tỉnh như ván ép cao cấp, ván bóc, dăm gỗ; lâm sản ngoài gỗ như: nhựa thông, hoa hồi,... đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore và Nhật Bản. Sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Tại huyện Bình Gia, đến nay toàn huyện có 18.000ha rừng gỗ lớn; trong đó, chỉ tính từ năm 2020 đến nay, người dân đã trồng được 2.962ha rừng gỗ lớn. Nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã hình thành vùng trồng cây keo, mỡ, như các xã: Thiện Thuật, Thiện Hòa, Yên Lỗ, Thiện Long, Vĩnh Yên... phát triển mạnh vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ nhằm cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ.
Chất lượng giống cây lâm nghiệp trong trồng rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn được các ngành chức năng chú trọng kiểm soát. Ảnh: HT.
Khai thác thế mạnh đất lâm nghiệp, nhất là trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng, nổi bật như: chính sách hỗ trợ cho vay đối với người trồng rừng; cải thiện chất lượng giống cây lâm nghiệp; quy hoạch cơ cấu vùng cây trồng hợp lý để tạo vùng trồng tập trung, ổn định; các biện pháp canh tác lâm nghiệp tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển lĩnh vực chế biến lâm sản; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng trồng...
Đồng thời, địa phương này cũng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư từ các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến kinh doanh nông lâm nghiệp, đặc biệt là thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao, chế biến sâu các sản phẩm lâm nghiệp. Qua đó, góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 – 2025, mục tiêu là trồng 45.000ha; bình quân mỗi năm tỉnh sẽ phải trồng khoảng 9.500-10.000ha, trong đó, có 800ha/năm là rừng gỗ lớn. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC) đạt 5.000ha... Giai đoạn 2026-2030, trồng rừng mới hằng năm 10.000ha/năm, trong đó diện tích trồng rừng gỗ lớn là 1.500ha/năm; diện tích rừng được cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC) đạt 10.000ha... Để khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, từ năm 2017 tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn (khai thác sau 10 năm), tùy từng khu vực từ 8 đến 10 triệu đồng/ha...
Đức Dũng
Bình luận