Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 27/12/2024 07:12
Thứ năm, 19/12/2024 20:12
TMO – Thí điểm thu phí rác thải theo thể tích tại Hội An không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm mà còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Thí điểm thu phí rác tại Cẩm An
Kể từ cuối năm 2023, Hội An đã triển khai thí điểm mô hình thu phí rác thải theo thể tích thông qua túi nylon chuyên dụng. Đây là một bước đi cụ thể hóa yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường. Hơn 450 hộ dân trên đường Nguyễn Tri Phương, phường Cẩm Nam tham gia thử nghiệm với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Cẩm Nam được chọn vì đặc điểm địa lý như một "ốc đảo", thuận tiện cho việc kiểm soát và đo lường lượng rác thải.
Trong khuôn khổ dự án, các hộ gia đình không phải đóng phí vệ sinh hằng tháng mà mua túi nylon đựng rác với mức giá từ 1.900 đồng (10 lít) đến 15.000 đồng (40 lít), tương đương với mức phí 30.000 - 60.000 đồng/tháng. Rác được phân loại thành 3 nhóm: thực phẩm, tái chế và rác thải rắn khác.
Gia đình ông Phạm Ngọc Hải ở phường Cẩm Nam, mỗi tháng được cấp 16 túi nylon 10 lít với mức phí 30.000 đồng. Ông Hải chỉ sử dụng 8 túi và tiết kiệm được khoảng 15.000 đồng/tháng. “Việc này giúp tôi tiết kiệm chi phí và giảm thiểu rác thải,” ông Hải chia sẻ. Bà Đặng Thị Mười cũng đã thay đổi thói quen phân loại rác từ khi dự án triển khai. Thay vì đổ tất cả rác ra ngoài, bà ủ rác hữu cơ để làm phân và tái sử dụng túi nylon. “Chương trình giúp tôi giảm tiền phí rác và bảo vệ môi trường,” bà Mười nói.
Người dân phường Cẩm An (Hội An) dùng túi nilon loại lớn để phân loại rác. Ảnh: CTT Quảng Nam.
Tuy nhiên, gia đình bà Hồ Thị Quý, một hộ kinh doanh nhỏ, gặp khó khăn vì lượng rác thải vượt quá số túi cấp phát. Với mức phí 60.000 đồng, bà nhận 4 túi loại 40 lít, nhưng vẫn phải mua thêm túi nylon thông thường. "Nếu áp dụng chính thức, tôi có thể phải chi thêm khoảng 60.000 đồng mỗi tháng," bà Quý cho biết.
Kết quả tích cực và mục tiêu mở rộng
Trong buổi tổng kết dự án gần đây, kết quả kiểm toán của IUCN cho thấy tỷ lệ phân loại rác tại phường Cẩm Nam trước năm 2022 chỉ đạt 45%, nhưng sau khi triển khai dự án, tỷ lệ này đã tăng lên 72% vào năm 2024. Nếu tính cả phân loại sơ sài, tỷ lệ này đạt 90%. Tỷ lệ hộ gia đình tham gia thu phí đúng quy định đạt 55% đối với túi rác thực phẩm và 67% đối với túi rác sinh hoạt. Bà Bùi Thu Hiền, đại diện IUCN, cho biết mô hình này đã đạt kết quả tích cực trong quản lý chất thải rắn và giảm ô nhiễm rác thải nhựa tại Hội An. Dự án có khả năng được nhân rộng ra các địa phương khác.
Những túi nilon phân loại rác ở Cẩm An được tập kết để nhân viên công ty môi trường đến thu gom. Ảnh: CTT Quảng Nam.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch TP.Hội An, đánh giá cao vai trò của IUCN và các đối tác trong việc triển khai các sáng kiến phân loại rác và xử lý chất thải rắn. Ông nhấn mạnh rằng, hạ tầng thu gom và xử lý rác là yếu tố quan trọng và Hội An đã có nhà máy sản xuất phân compost công suất 27 tấn/ngày, xử lý 30% lượng rác thải của thành phố. Năm 2025, nhà máy sẽ được nâng cấp để hoạt động hiệu quả hơn. Ông Hùng cũng chia sẻ thêm, Hội An đã triển khai các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt trong ngành du lịch, nơi phát thải khoảng 30% lượng rác của thành phố. Một số doanh nghiệp địa phương đã cam kết giảm phát thải nhựa, hướng tới kinh tế tuần hoàn.
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam Võ Như Toàn cho biết, Sở đang hỗ trợ TP.Hội An trong việc tính toán lại việc phân loại rác thải tại nguồn và tính phí theo khối lượng. Nếu mô hình thành công, tỉnh sẽ nghiên cứu nhân rộng trên toàn tỉnh./.
Từ năm 2025, phí xử lý rác sẽ dựa trên khối lượng hoặc thể tích Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam 2020, có hiệu lực từ tháng 1 năm 2021, bao gồm các quy định mới về quản lý chất thải rắn. Điều 75 có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, quy định chất thải rắn đô thị từ các hộ gia đình và cá nhân phải được phân loại thành chất thải có thể tái sử dụng, tái chế, chất thải hữu cơ và các loại chất thải khác. Điều 79 quy định, các hộ gia đình và cá nhân phải trả phí dựa trên thể tích và khối lượng chất thải vào ngày 1/1/2025. |
Nam Trân
Bình luận