Hotline: 0941068156
Thứ năm, 28/11/2024 09:11
Thứ tư, 27/11/2024 06:11
TMO - Mưa lớn, lũ quét, sạt lở những ngày vừa qua đất gây ra nhiều thiệt hại ở các tỉnh miền Trung bao gồm Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong đó tỉnh Thừa Thiên-Huế là địa phương đang bị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Từ ngày 21/11 đến nay, miền Trung mưa lớn do tác động của nhiễu động trong đới gió Đông và không khí lạnh liên tục tăng cường. Trong đó tâm mưa là tỉnh Thừa Thiên-Huế với tổng lượng trong 5 ngày hơn 2.400 mm. Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tính đến 11 giờ ngày 26-11, mưa lớn đã làm 2 người bị thương (Thừa Thiên - Huế); ngập một số tuyến đường tỉnh (Đường tỉnh 1, 2, 3, 5, 8A, 12B, 12D, 15B, 19) và nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã tại TP Huế, các huyện Hương Thủy, Quảng Điền. Trước đó, ngày 25-11, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho học sinh nghỉ học.
Để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng đã chủ động sơ tán tổng số 312 hộ dân với 1.030 người khỏi những khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó, Thừa Thiên-Huế: 174 hộ/507 người; Quảng Nam 138 hộ/523 người.
Trong khi đó, ở huyện An Lão, tỉnh Bình Định, mưa lớn đã làm 14 điểm ngập nước với chiều dài ngập khoảng 600 m. Mưa lớn cũng làm 5 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất ở các xã An Quang, An Vinh và An Nghĩa. Hiện các hộ dân đã được lực lượng xung kích phòng chống thiên tai xã hỗ trợ khắc phục. Mưa lũ cũng làm sạt lở 7 điểm ở các tuyến đường giao thông ở xã An Quang, An Vinh, An Hưng với khoảng gần 1.000 m3 đất đá.
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn gây sạt lở đất đá từ ta luy dương làm sập một mảng tường lớn của điểm trường Răng Chuỗi, thôn 1, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, sau đó tiếp tục tràn vào lớp học, gây hư hại nhiều đồ dùng học tập. Ngoài ra, có nhiều điểm sạt lở khác trên các tuyến giao thông như ĐH3, ĐH6, ĐH9, trong đó đường bê-tông dẫn vào làng Ông Deo, thôn 2, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My bị đứt gãy hoàn toàn, hiện chưa thể khắc phục.
Mưa lớn trong những ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Vệ đoạn qua huyện Nghĩa Hành và sông Trà Câu đoạn qua thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã gây sạt lở chia cắt nhiều địa phương của hai huyện.
Theo thống kê của UBND thị xã Đức Phổ, nước lũ trên sông Trà Câu vượt báo động 3 khiến nhà ở của gần 90 hộ dân ở phường Phổ Minh bị ngập từ 40 cm đến 1,5 m. Do mưa kéo dài, nước lũ lên nhanh khiến nhiều hộ dân đã không kịp di dời tài sản, nhu yếu phẩm đến nơi an toàn.
Từ trưa 24-11, lực lượng chức năng thị xã Đức Phổ đã sử dụng các phương tiện vận chuyển mì tôm, nước uống hỗ trợ người dân, tiếp tục di dời người cũng như đưa gia súc ra khỏi vùng lũ. Chính quyền địa phương đã khẩn trương di dời 15 hộ dân với 30 khẩu ở tổ dân phố 1, phường Phổ Minh đến nơi an toàn.
Để khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động ứng phó với mưa lớn trong thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ.
Mưa lớn gây ngập ở TP. Huế ngày 25-11. (Ảnh minh hoạ: TT).
Trong đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tính mạng và tài sản của nhân dân, đồng thời khắc phục nhanh nhất hậu quả khi xảy ra thiên tai, sự cố. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên tập trung huy động lực lượng, phương tiện tiếp cận khu vực còn bị ngập sâu, chia cắt để kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, không để người dân bị thiếu đói.
Các bên liên quan tiếp tục rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chủ động cảnh báo, tổ chức di dời dân cư, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, các đối tượng yếu thế ra khỏi các khu vực bị ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, lũ ống. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông an toàn qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở.
Đồng thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn; sẵn sàng phương tiện, lực lượng hỗ trợ nhân dân sơ tán, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống. Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ theo đúng quy định; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục nhanh các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất, kinh doanh ngay sau mưa lũ... Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó với mưa lũ.
Các tỉnh, thành phố phải chủ động triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông, nhất là tại khu vực dễ ngập úng như ngầm, tràn; chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục đường chính, an toàn cho hạ du khi vận hành hồ chứa.
Anh Thư
Bình luận