Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ tư, 28/06/2023 06:06
TMO - Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Luật Dầu khí (sửa đổi) có 10 điểm mới, tạo ra 3 mục tiêu kỳ vọng như thúc đẩy, nâng cao hiệu quả và hiệu lực khai thác dầu khí.
Thứ nhất, Luật Dầu khí (sửa đổi) bổ sung chính sách đối với hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí (từ Điều 10 đến Điều 14, Chương II). Hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động điều tra, khảo sát ban đầu nhằm đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Đây là hoạt động rất quan trọng, do nhà nước thống nhất quản lý.
Luật Dầu khí số 12/2022/QH 15 đã có quy định rõ về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 10); Nội dung điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 11); Điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 12); Quyền và nghĩa vụ của tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (Điều 13); Quản lý, khai thác, sử dụng mẫu vật, tài liệu từ hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí. Trong đó, để phù hợp với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, tại khoản 3, Điều 12 có quy định đối với “cá nhân tham gia thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí” với điều kiện phải liên danh với tổ chức có đủ năng lực về tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong điều tra cơ bản về dầu khí theo quy định của Chính phủ. Chính sách đối với tổ chức ngoài cơ quan, doanh nghiệp nhà nước thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, được đề xuất thu hồi chi phí khi tham gia đấu thầu, ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí trong khu vực đã thực hiện hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí.
Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện các quy định về hợp đồng dầu khí theo hướng thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư (từ Điều 26 đến Điều 41, Chương IV). Trong điều kiện thực tế tại Việt Nam, thực tế đặt ra cần bổ sung vào Luật Dầu khí các hình thức hợp đồng theo hướng đa dạng, không chỉ giới hạn ở hình thức hợp đồng truyền thống hiện nay mà còn cho phép áp dụng các hình thức khác. Phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế, tại Khoản 2, Điều 29 của Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung “Loại hợp đồng dầu khí khác” bên cạnh “Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí” được quy định và áp dụng từ Luật Dầu khí 1993.
Đối với hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí cũng được bổ sung và hoàn thiện các quy định theo hướng linh hoạt, rõ ràng hơn: Thống nhất thời hạn hợp đồng dầu khí đối với khai thác dầu và khai thác khí (30 năm đối với cả dầu và khí và 35 năm với lô được hưởng chính sách ưu đãi/đặc biệt ưu đãi đầu tư), tăng 5 năm so với Luật Dầu khí trước đây để tương đồng với các nước trong khu vực nhằm tăng tính thu hút đầu tư (Điều 31);
Nhà thầu có thể đề xuất đầu tư bổ sung nhằm gia tăng trữ lượng, nâng cao hệ số thu hồi và khai thác tận thu dầu khí với điều kiện kinh tế - kỹ thuật cho hợp đồng dầu khí mới sau khi hợp đồng dầu khí đã ký hết thời hạn (Điều 40); mở rộng diện tích, việc hoàn trả, giữa lại diện tích hợp đồng, hợp nhất phát hiện dầu khí, mỏ dầu khí vượt sang diện tích của một hoặc nhiều lô dầu khí liền kề đã ký hợp đồng dầu khí để thẩm lượng và phát triển chung nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tối ưu tài nguyên dầu khí (Điều 32); nhà thầu có nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí liên quan đến việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật (Điều 36).
Thứ ba, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí: Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung các bước phê duyệt: Chương trình hoạt động và ngân sách hoạt động hằng năm (Điều 43); chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí (Điều 44); phê duyệt báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí (Điều 45); kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (Điều 46); kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí (Điều 47); kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (Điều 48); phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí (Điều 50).
Bổ sung các quy định bảo đảm tính tương đồng với hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường…, cụ thể: Phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở để nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí và thay thế phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công đối với dự án dầu khí (Khoản 3 Điều 26); việc lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí thay thế cho việc lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng của dự án dầu khí theo quy định của Luật Xây dựng (Khoản 4, Điều 46)..
Thứ tư, bổ sung, hoàn thiện các quy định về dự án phát triển mỏ dầu khí đồng bộ theo chuỗi: Để phù hợp với đặc thù hoạt động dầu khí tại Việt Nam (ví dụ Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh tại Lô 117-118-119), Luật Dầu khí 2022 bổ sung quy định dự án dầu khí có thể được triển khai theo chuỗi đồng bộ bao gồm các hạng mục công trình, thiết bị dầu khí trên đất liền và trên biển (Điều 42).
Thứ năm, bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (Luật chỉ nêu nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này hoặc giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể), cụ thể: xác định các lô được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (Điều 53 và 54).
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm. Điểm mới trong dự Luật Dầu khí 2022 là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% áp dụng đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nội dung này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Thứ sáu, bổ sung chính sách về khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước Để tận thu tài nguyên và đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung chính sách khai thác mỏ dầu khí tận thu (lô, mỏ đã khai thác nhưng hiện giảm sản lượng, nhà đầu tư kết thúc hợp đồng sớm hoặc hết hạn hợp đồng). Đây là chính sách mới với nhiều nội dung mang tính đột phá.
Đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu, Luật Dầu khí 2022 quy định quy định cụ thể về chính sách đặc thù khi phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí (Khoản 1, Điều 55). Để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, Luật Dầu khí 2022 cũng có quy định về việc “Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 3 của Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12” khi không áp dụng đối tượng chịu thuế tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu (Khoản 2, Điều 67).
Thứ bảy, bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí. Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung quy định nguyên tắc về công tác kế toán, kiểm toán đối với hoạt động dầu khí để phù hợp với đặc thù của hoạt động dầu khí và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, cụ thể: công tác kế toán, kiểm toán đối với hợp đồng dầu khí tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán Việt Nam và phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (Điều 56); Bổ sung các quy định về quyết toán dự án dầu khí, cụ thể: quyết toán chi phí trong hoạt động dầu khí được nhà thầu tiến hành sau khi hoàn thành công việc theo từng khoản mục, hạng mục và từng giai đoạn trong hợp đồng dầu khí hoặc khi kết thúc dự án dầu khí, dự án thành phần của dự án dầu khí (Điều 57).
Thứ tám, tăng cường phân cấp cho Bộ Công Thương, Petrovietnam trong phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí. Phù hợp với chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi kèm với tăng cường kiểm tra giám sát, Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung quy định về phân cấp cho Petrovietnam phê duyệt: Chương trình hoạt động và ngân sách hoạt động hàng năm (Điều 43); chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí (Điều 44); điều chỉnh kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí ngoài việc thay đổi phương án phát triển mỏ, nhu cầu sử dụng đất, phương án tiêu thụ khí (khoản 5 Điều 46); điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí/kế hoạch phát triển mỏ dầu khí trong một số trường hợp có sự thay đổi không lớn về kỹ thuật, chi phí nhằm đẩy nhanh tiến độ, phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ (Khoản 5, Điều 47; Khoản 5, Điều 48).
Thứ chín, quy định rõ chức năng, quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam. Nhằm phân định rõ hai vai trò chính của Petrovietnam là thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao và tham gia hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu, Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung Chương IX về chức năng, quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Trong đó, đối với chức năng về tham gia trong hợp đồng dầu khí với vai trò nhà thầu, có bổ sung quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên Petrovietnam phê duyệt một số nội dung theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của Cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Petrovietnam.
Cuối cùng là cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân chia sẻ và tiếp cận, sử dụng các công trình, cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành Dầu khí để thực hiện hoạt động dầu khí trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên (Điều 5). Nhà thầu có quyền tiếp cận, sử dụng các cơ sở hạ tầng công trình dầu khí sẵn có để phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động dầu khí thông qua hợp đồng hoặc thỏa thuận với đơn vị chủ sở hữu hoặc quản lý vận hành các cơ sở hạ tầng trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các bên phù hợp với quy định của pháp luật; nhà thầu có nghĩa vụ chia sẻ việc sử dụng công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có với bên thứ ba trên cơ sở các hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên với điều kiện không làm ảnh hưởng đến hoạt động dầu khí, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế (điểm i, Khoản 1, Điều 58; Khoản 10, Điều 59).
Với các chính sách mới nêu trên, Luật Dầu khí năm 2022 kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 11/2022. Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 thay thế Luật Dầu khí ngày 6/7/1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10, Luật số 10/2008/QH12 và Luật số 35/2018/QH14.
PV
Bình luận