Hotline: 0941068156
Thứ tư, 16/04/2025 05:04
Thứ bảy, 12/04/2025 08:04
TMO - Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, trong nửa cuối tháng 4, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Long An có xu hướng gia tăng, nhất là tại các khu vực ven sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông.
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, trong khoảng giữa tháng 4 tới, ranh giới độ mặn 4 phần nghìn - ngưỡng có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất được dự báo sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng hơn 60km trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh là Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông.
Bên cạnh đó, độ mặn 1 phần nghìn sẽ xâm nhập sâu trên 80km trên hai con sông. Đợt mặn xâm nhập này dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm nhưng thấp hơn năm 2024. Trong mùa khô năm nay, đây là đợt hạn mặn cao điểm. Theo đánh giá, mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên hệ thống sông tại Long An trong thời gian tới có khả năng ở cấp độ 3 đây là mức rủi ro cao, cần được theo dõi sát sao.
Trước tình hình trên, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân tại các vùng nguy cơ cần chủ động tích trữ nước ngọt vào thời điểm triều thấp để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; đồng thời, hạn chế tưới, tiêu trong giai đoạn độ mặn tăng cao nhằm giảm thiểu rủi ro thiệt hại. Đặc biệt, với những vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, người dân cần thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn trong nước trước khi sử dụng để bảo đảm an toàn cho cây trồng.
Thời gian qua, nhiều công trình thủy lợi quan trọng được đầu tư, nâng cấp nhằm bảo đảm nguồn nước tưới, tiêu và ngăn mặn hiệu quả. Trong đó, hệ thống thuỷ lợi Rạch Chanh - Trị Yên, Đôi Ma - Xóm Bồ, Ông Hiếu - Mồng Gà (vùng phía Đông sông Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông thuộc các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, phía Nam huyện Bến Lức) cơ bản đã được đầu tư hoàn thiện khép kín. Hệ thống kênh dẫn nước, kênh rạch nội đồng đã được đầu tư nạo vét cũng như đang có kế hoạch và chuẩn bị đầu tư nạo vét bảo đảm phục vụ trữ nước, ngăn mặn, ngăn triều cường, điều tiết nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Tỉnh Long An nâng cao hiệu quả vận hành các công trình thủy lợi trong ngăn mặn, trữ ngọt đảm bảo cho sản xuất. Ảnh: BLA.
Đối với hệ thống thủy lợi Nhật Tảo - Tân Trụ có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt, điều tiết nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất cho khoảng 13.000ha và dân sinh của huyện Tân Trụ, một phần huyện Bến Lức, Thủ Thừa và TP.Tân An. Ngành Nông nghiệp đã tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, nạo vét công trình thủy lợi, đầu tư hoàn thành công trình cống điều tiết Ngã 3 sông Nhựt Tảo. Từ đó, giúp tăng khả năng trữ nước trong hệ thống thủy lợi, cấp nước bổ sung cho khu vực thường xảy ra thiếu nước trong mùa khô.
Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi khu vực phía Nam Quốc lộ 62 (thuộc hệ thống thuỷ lợi Rạch Chanh - Bắc Đông - Nguyễn Văn Tiếp), dọc theo bờ Nam sông Vàm Cỏ Tây Quốc lộ 62 có 16 vị trí cống lớn, điều tiết thoát lũ, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất cho khoảng 62.000ha diện tích đất nông nghiệp của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Trong đó, có 13 cống đã được đầu tư hoàn thiện, đang hoạt động phục vụ sản xuất và vận hành để ngăn mặn mùa khô năm 2024-2025. Còn lại 3 cống hiện tại đang thi công, tuy nhiên đã được đắp đê quay kết hợp ngăn mặn.
Để chủ động ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, Chi cục Môi trường và Kiểm lâm tỉnh kiến nghị Trung tâm Thủy lợi và Nước sạch tỉnh phối hợp Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp các huyện phía Nam và TP.Tân An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn và có kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý để điều tiết lấy nước tích trữ vào các kênh, rạch nội đồng khi nguồn nước chưa bị nhiễm mặn, kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ để phủ bạt, thay thế các ron cửa cống bị hư hỏng để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Người dân cũng cần có các biện pháp chủ động phòng, chống và kiểm tra độ mặn trước khi tưới cây. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, cập nhật tình hình hạn, xâm nhâp mặn hàng ngày, chủ động trữ nước ngọt, giữ vệ sinh nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm; chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích cây trồng, góp phần bảo đảm năng suất./.
Lê Đức
Bình luận