Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 07:11
Thứ năm, 25/07/2024 14:07
TMO - Trước tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Long An tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước (TNN), qua đó đảm bảo nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân địa phương.
Mùa khô năm 2023-2024, trên địa bàn tỉnh Long An, có 16.300 hộ dân tại các xã vùng hạ của huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ chịu ảnh hưởng thiếu nước sạch sinh hoạt nặng nề nhất do hạn hán, xâm nhập mặn. Trước tình hình trên, tỉnh Long An tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả TNN; đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận hưởng ứng chủ trương cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng.
Tại huyện Tân Trụ địa phương vùng hạ của tỉnh Long An, mùa khô vừa rồi, chi phí sản xuất của người dân trồng lúa, hoa màu gia tăng bình quân từ 2 - 4 triệu đồng/ha tùy theo cây trồng cho việc tưới tiêu. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã tác động trực tiếp đến 1.455 hộ dân của huyện vì bị thiếu nước sinh hoạt. Trước thực trạng này, chính quyền huyện Tân Trụ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện thi công các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu và tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, kế hoạch và theo hướng sử dụng các giống cây trồng chịu hạn mặn cao, cũng như việc luân canh cây lúa với cây rau màu để tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu.
Mùa khô năm 2023-2024, trên địa bàn tỉnh Long An, có 16.300 hộ dân tại các xã vùng hạ của huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ.
Thời gian qua, tỉnh Long An đã tăng cường các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý TNN và xem việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, địa phương quan tâm đến công tác xã hội hóa cấp nước, tạo điều kiện mời gọi doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn.
Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các sở, ngành tỉnh và địa phương liên quan trong việc thẩm định, xác định vùng bảo hộ vệ sinh, nghĩa vụ tài chính về tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường,... đối với từng hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác, sử dụng TNN. Khi có giấy phép khai thác, địa phương sẽ cập nhật dữ liệu vào Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu TNN của Bộ TN&MT.
Tỉnh đầu tư, nâng cấp các hệ thống cấp nước trên địa bàn để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng nguồn TNN mặt hiện có, phát huy tối đa hiệu quả để phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, lộ trình đóng bít các giếng khoan tại địa bàn các huyện trọng điểm về công nghiệp, nơi có hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm được nguồn nước cả về chất lượng lẫn lưu lượng để duy trì, bảo vệ TNN dưới đất theo quy định.
Đồng thời, địa phương này xây dựng kế hoạch, lộ trình đóng bít các giếng khoan tại địa bàn các huyện trọng điểm về công nghiệp, nơi có hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm được nguồn nước cả về chất lượng lẫn lưu lượng vừa duy trì, bảo vệ TNN dưới đất theo quy định.
Tại huyện Thạnh Hóa, hàng năm, huyện đều có kế hoạch và bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung. Huyện kêu gọi các nguồn lực, vận động người dân lắp đặt, đấu nối vào các tuyến ống cấp nước tập trung. Từ đó, cơ bản giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Trong kế hoạch sắp tới, huyện yêu cầu các địa phương chú trọng nâng cấp các hệ thống cấp nước từ hợp vệ sinh thành nước sạch; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, cập nhật nội dung cấp nước; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nước sạch đối với đời sống con người và phát triển kinh tế-xã hội. Huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước; kêu gọi mọi người sử dụng nước sạch tiết kiệm, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và suy kiệt nguồn nước;...
Tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cấp các hệ thống cấp nước để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất.
UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh, gồm 71 sông, kênh, rạch phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước và 12 ao, hồ, nguồn nước trong khu bảo tồn. ổng chiều dài của tất cả các tuyến sông, kênh, rạch được lập hành lang bảo vệ nguồn nước là 1.247km. Tổng diện tích mặt nước của những ao, hồ, nguồn nước này hơn 6.224ha. Trong đó, những tuyến kênh có năng lực tưới cho diện tích từ hơn 20.000 - 25.000ha; các tuyến sông chính Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, kênh Bảo Định và những khu vực có diện tích mặt nước lớn như Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, Khu Bảo tồn Đa dạng sinh học Đồng Tháp Mười và Làng nổi Tân Lập... cũng nằm trong danh mục lập hành lang bảo vệ nguồn nước.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành có liên quan tổ chức chỉ đạo việc cắm mốc, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc hệ thống công trình thủy lợi theo quy định; giám sát hoạt động xây dựng kho bãi, bến cảng, cầu, phà, đường giao thông, các công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi bảo vệ hành lang nguồn nước. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện biện pháp quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; tổ chức tuyên truyền, phổ biến về quy định quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với Sở TN&MT Long An trong việc rà soát, điều chỉnh Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; xây dựng Phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở đô thị, khu dân cư tập trung và các nguồn nước khác.
Hiện nay, TNN đứng trước nhiều nguy cơ chịu ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu. Tình trạng nước ngầm ngày càng khan hiếm, cạn kiệt, trong khi đó, nguồn nước cũng giảm mạnh, một số vùng bị mặn hóa do tình trạng xâm nhập mặn, hạn gây ra. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách, chỉ đạo trong vấn đề bảo vệ nguồn TNN. Tỉnh Long An cụ thể hóa bằng các biện pháp, giải pháp để thực hiện hiệu quả, nâng cao việc quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước trên địa bàn.
Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, công chức các sở, ngành, UBND các huyện và doanh nghiệp về truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN. Sở sẽ chủ trì phối hợp Phòng TN&MT các huyện, đơn vị cấp nước tập trung tiến hành kiểm tra, yêu cầu các đơn vị đang sử dụng nước dưới đất trám lấp giếng, đấu nối sử dụng nước của các đơn vị cấp nước tập trung. Tham mưu UBND tỉnh xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất không đăng ký, không có giấy phép, hết hạn giấy phép.
Sở TN&MT phối hợp xử lý các công trình khai thác, sử dụng nước dưới đất có sử dụng đất công, tiếp tục thực hiện xử lý trám lấp các giếng khoan hư hỏng hoặc không sử dụng. Đồng thời, kiểm kê, đánh giá nguồn nước mặt trên địa bàn và tiếp tục kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các doanh nghiệp khai thác TNN lắp đặt thiết bị, kết nối dữ liệu giám sát tự động, trực tuyến đối với công trình khai thác, sử dụng TNN.
Thu Trang
Bình luận