Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 18:01
Thứ năm, 02/05/2024 08:05
TMO - Tỉnh Long An đẩy mạnh thực hiện các giải pháp khắc phục hạn chế, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Long An tiếp giáp TP. HCM, là cầu nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các khu công nghiệp (KCN) tập trung. Long An còn có khu kinh tế cửa khẩu và cảng quốc tế. Long An còn sở hữu hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ với nhiều lợi thế quan trọng như cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế thông qua sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ Tây; các trục giao thông theo quy hoạch kết nối...
Tỉnh hiện có 34 KCN được thành lập với diện tích hơn 9.251ha, có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư. Diện tích đất công nghiệp đã cho thuê từ đầu năm 2023 đến nay là 139ha, nâng tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê lên 2.883ha, lấp đầy đạt 67,41%. Nhờ khai thác đồng bộ, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương; đồng thời, nỗ lực thực hiện vai trò và trách nhiệm của địa phương được xem là một động lực tăng trưởng của vùng, những năm qua, Long An luôn giữ vị trí nằm trong nhóm đầu của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cũng cho thấy, tính đến hết quý I năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã thành lập mới 503 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 6,9 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 39% số doanh nghiệp và tăng 67% số vốn đăng ký. Đáng chú ý là có 8 dự án doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn khoảng 2,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2 dự án so với cùng kỳ năm 2023 Tính đến nay toàn tỉnh có 17.429 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn trên 379 nghìn tỷ; 2.213 dự án DDI với vốn đăng ký trên 300 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm 2024, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án FDI, tăng 4 dự án so với cùng kỳ với vốn đầu tư cấp mới 166 triệu USD. Long An cũng là địa phương đã tiếp nhận nguồn vốn FDI từ khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với 1.282 dự án với tổng số vốn đăng ký trên 11,1 triệu USD. Với con số trên giúp Long An tiếp tục tái khẳng định vị trí vững chắc trong top 10 tỉnh, thành của cả nước và đứng đầu vùng ĐBSCL về thu hút đầu tư nước ngoài.
Tỉnh Long An triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm quỹ đất cho thu hút đầu tư.
Tỉnh luôn xác định tầm quan trọng của công tác bồi thường, GPMB, tái định cư đối với sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tạo quỹ đất sạch để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh ban hành các nghị quyết, văn bản hướng dẫn và tập trung quyết liệt trong thực hiện, bước đầu tạo sự chuyển biến trong GPMB, góp phần đẩy nhanh quá trình đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án, nhà đầu tư đến với địa phương, phục vụ sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ của vùng và cả nước, tỉnh Long An đã ban hành các nghị quyết, văn bản hướng dẫn và tập trung quyết liệt trong thực hiện, bước đầu tạo chuyển biến trong giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh quá trình đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án, nhà đầu tư đến với địa phương, phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Tại Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Long An đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 50/NQ-HĐND về thí điểm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, danh mục dự án thực hiện thí điểm gồm 5 dự án, do Trung tâm Phát triển quỹ đất và Dịch vụ tài nguyên, môi trường là chủ đầu tư. Trước mắt, trong năm 2024 sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất khoảng 1.000ha.
Long An đẩy mạnh công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới.
Ngoài ra, theo Nghị quyết số 25 của Tỉnh ủy, Long An cũng xác định mục tiêu cụ thể trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 là tập trung giải quyết dứt điểm các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn tồn đọng; phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 4.000ha đất để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung các dự án thuộc chương trình đột phá, công trình trọng điểm, các dự án tạo quỹ đất sạch và phát triển khu công nghiệp, khu đô thị mới.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, Long An phấn đấu hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng tối thiểu 5.000ha đất để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Việc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch kêu gọi, thu hút đầu tư, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại - dịch vụ; đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.
Trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất công nghiệp và tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư, Sở TN&MT Long An đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030. Hiện UBND tỉnh Long An đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 để cấp huyện làm căn cứ triển khai tiếp nhận đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Long An đề nghị Sở TN&MT sớm tham mưu UBND tỉnh kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng năm 2024 phù hợp thực tế, sát khả năng bố trí vốn đầu tư công và vốn huy động của các tổ chức kinh tế để đảm bảo tính khả thi; nhất là tập trung vào những dự án thuộc công trình trọng điểm, chương trình đột phá và tập trung tháo gỡ dự án vướng mắc kéo dài theo hướng giải quyết dứt điểm từng dự án. Bên cạnh đó, tập trung rà soát pháp lý báo cáo UBND tỉnh đối với trường hợp doanh nghiệp sử dụng đất thực hiện cổ phần hóa và những doanh nghiệp thực hiện dự án xã hội hóa có sử dụng đất...
Để đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh rà soát, bổ sung các quy định về bồi thường, GPMB; ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn để GPMB đối với công trình trọng điểm, công trình vốn đầu tư công, kịp thời chi trả cho người dân; thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo địa phương tăng cường công tác vận động để người bị thu hồi đất chấp thuận chủ trương thu hồi đất, đối với phần diện tích đã bồi thường, đôn đốc các chủ đầu tư sớm triển khai dự án để làm cơ sở vận động các trường hợp còn lại chấp hành chủ trương thu hồi đất...
Ngọc Lan
Bình luận