Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 18:01
Thứ ba, 19/11/2024 08:11
TMO - Nâng cao năng lực, trách nhiệm cho mọi tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cán bộ quản lý, cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích trong bảo tồn đa dạng sinh học – nội dung này là một trong những giải pháp triển khai hiệu quả Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.
Theo đó, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chen chốt nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch này. Cụ thể:
Giải pháp về cơ chế, chính sách: Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan nhằm triển khai hiệu quả Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia; nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thành lập, vận hành cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật; cơ chế phát triển du lịch sinh thái, du lịch bền vững gắn với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học, cảnh quan sinh thái quan trọng, khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng. Đồng thời, tăng cường công tác thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuần tra bảo vệ rừng, một trong những giải pháp góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn đa sạng sinh học.
Giải pháp về khoa học và công nghệ: Đẩy nhanh chuyển đổi số, phấn đấu hoàn thiện kết nối liên thông hệ thống thông tin, trong đó có cơ sở dữ liệu về quy hoạch. Quản lý, cập nhật biến động các đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; Tăng cường áp dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc lập và giám sát thực hiện quy hoạch, giám sát các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học;
Khuyến khích, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tri thức truyền thống vào việc bảo tồn, phát triển bền vững các đối tượng của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa sinh học; tập trung các nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên; bảo tồn các loài đặc hữu, nguy cấp, ngăn chặn sự suy thoái của các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên; các mô hình du lịch sinh thái hiệu quả; phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực: Xây dựng các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp với từng đối tượng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý, giám sát đa dạng sinh học và cán bộ có liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học ở trung ương và địa phương gắn với các đối tượng của quy hoạch; trang bị cơ sở vật chất, thiết bị cho đội ngũ làm công tác bảo tồn tại các địa phương nhằm phát huy năng lực bảo tồn tại chỗ; Đẩy mạnh kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương; khai thác nguồn lực tri thức từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế; Tăng cường năng lực và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; phát huy giá trị đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và tri thức của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Giải pháp về tài chính, đầu tư: Bảo đảm nguồn lực để thành lập, quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, khu vực đa dạng sinh học cao; Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án, nhiệm vụ ưu tiên của quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái; đa dạng hoá nguồn đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học, mở rộng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường; đẩy mạnh khai thác các nguồn lực tại chỗ, vận dụng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp nhằm tạo sinh kế bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm cho mọi tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cán bộ quản lý, cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh các khu vực đa dạng sinh học cao, vùng đất ngập nước quan trọng, khu vực cảnh quan sinh thái quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; đa dạng hóa các kênh truyền thông về đa dạng sinh học như phát hành các ấn phẩm chuyên ngành, hệ thống phát thanh, truyền hình, mạng xã hội...;
Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, nhân rộng những điển hình tiên tiến; Kết hợp với các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ, trường học... để lồng ghép các chương trình giáo dục tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học, phổ biến kiến thức bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Giải pháp về hợp tác quốc tế: Chủ động tham gia, thực hiện, đảm bảo tuân thủ các điều ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết; nghiên cứu, đề xuất tham gia các điều ước quốc tế mới, sáng kiến, diễn đàn, tổ chức quốc tế về đa dạng sinh học bảo đảm lợi ích quốc gia; Tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt với các quốc gia có chung đường biên giới; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong kiểm soát việc buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã.
Giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu: Đánh giá và dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới đa dạng sinh học; Xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch: Công bố, tuyên truyền, phổ biến Quy hoạch theo quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện và giám sát thực hiện Quy hoạch; Định kỳ 05 năm, đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện, kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch (nếu có) phù hợp với tình hình thực tế.
Trước đó, tại Quyết định 1352 ngày 8/11/2024, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam.
LÝ LAN
Bình luận