Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ tư, 22/03/2023 08:03
TMO - Liên Hợp Quốc (LHQ) đã kêu gọi Chính phủ các nước hành động khẩn cấp để giảm lượng khí thải và tăng cường khả năng phục hồi trước tình trạng biến đổi khí hậu, nhằm đảm bảo một tương lai bền vững về môi sinh cho tất cả mọi người.
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc LHQ công bố báo cáo khoa học, đánh giá toàn diện về các vấn đề khí hậu toàn cầu định kỳ 6-7 năm/lần. Trong báo cáo này, IPCC cho biết nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, là hậu quả của hơn 1 thế kỷ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, việc sử dụng đất và năng lượng không đồng đều, không bền vững. Điều này đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn và dữ dội hơn, gây ra những tác động ngày càng nguy hiểm đối với thiên nhiên và con người ở mọi khu vực trên thế giới.
Những báo cáo này cung cấp cơ sở khoa học để các chính phủ lên kế hoạch và đánh giá tiến độ thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, với mục tiêu kiềm chế sự tăng nhiệt toàn cầu ở mức dưới 2 độ C - và tốt nhất là ở mức thấp hơn 1,5 độ C - so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Báo cáo khẳng định thực hiện hành động đúng đắn ngay bây giờ có thể mang lại sự thay đổi cần thiết cho một thế giới bền vững và công bằng.
Hydro xanh đang được kỳ vọng là năng lượng của tương lai, hướng đến mục tiêu giảm lượng khí thải.
Báo cáo cũng đề xuất các chính phủ lồng ghép các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính vào chính sách phát triển. Ví dụ: khuyến khích người dân sử dụng năng lượng sạch để cải thiện sức khỏe; điện khí hóa carbon thấp, đi bộ, đi xe đạp và sử dụng phương tiện vận tải công cộng để góp phần nâng cao chất lượng không khí... Báo cáo nêu rõ: “Lợi ích kinh tế đối với sức khỏe con người từ việc cải thiện chất lượng không khí sẽ tương đương hoặc thậm chí có thể lớn hơn chi phí giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính.
Theo báo cáo, trong bối cảnh khí hậu, hệ sinh thái và xã hội có mối liên quan mật thiết với nhau, việc bảo tồn hiệu quả và hợp lý khoảng 30-50% đất đai, nước ngọt và đại dương của Trái Đất sẽ giúp đảm bảo một hành tinh khỏe mạnh. Ví dụ: những thay đổi trong lĩnh vực thực phẩm, điện, giao thông, công nghiệp, tòa nhà và sử dụng đất có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính, điều này có thể giúp mọi người dễ dàng hướng tới lối sống ít carbon hơn và từ đó cũng cải thiện sức khỏe và cuộc sống hạnh phúc.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đề xuất với nhóm các nền kinh tế phát triển cao G20 về một "Hiệp ước đoàn kết khí hậu" nhằm thúc đẩy nỗ lực đạt được việc thông qua chương trình nghị sự tăng tốc ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, chương trình nghị sự kêu gọi các nước phát triển chấm dứt việc sản xuất điện từ than đá vào năm 2035; phần còn lại của thế giới vào năm 2040, đồng thời chấm dứt mọi hoạt động cấp phép hoặc tài trợ cho dầu khí mới cũng như mọi hoạt động mở rộng khai thác dầu mỏ và khí đốt hiện có.
T. Phương
Bình luận