Hotline: 0941068156
Thứ tư, 27/11/2024 01:11
Thứ sáu, 09/02/2024 20:02
TMO - Chuẩn bị bước sang năm mới, tuần Tết những ngày cuối năm cũ thường diễn ra hàng loạt “thủ tục” đương nhiên khác, được tiến hành ở hầu khắp mọi gia đình, tạo ra một không khí sinh hoạt văn hóa vừa gần gũi, bình dị thân quen, vừa náo nức, thiêng liêng và cẩn trọng.
Để đáp ứng nhu cầu làm mới nhà cửa, trang trí đẹp đẽ không gian đón Tết, thú vui sắm sửa tranh Tết, câu đối và các loại hoa tươi đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa không thể nào thiếu được. Thú chơi chữ, chơi tranh, chơi hoa hiện diện trong không gian văn hóa gia đình hoặc tại các không gian sinh hoạt văn hóa – tâm linh của cộng đồng đã là những minh chứng cho nét đẹp văn hóa tao nhã, tạo nên cốt cách của không khí đón Xuân với biết bao hy vọng, ước muốn về một năm mới tốt lành, “hòa cốc – phong đăng”, sức khỏe và bình yên, phát đạt.
Cùng với không khí sôi động, háo hức trong những ngày trang trí nhà cửa chờ đón Nguyên đán, tục lệ gói bánh chưng, bánh tét cùng hàng loạt loại bánh khác như bánh mật, bánh gai… đều được thực hành ở hầu khắp mọi gia đình. Tục lệ đó đã qua hàng ngàn năm, được coi như một nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống, mang bản sắc văn hóa vùng, miền, tưởng như không thể nào thiếu được.
Tùy thuộc quan điểm mỗi gia đình mà mâm cúng đêm giao thừa (ngoài trời) được sửa soạn khác nhau. Ảnh minh họa.
Lễ đón giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của mọi gia đình. Giây phút thiêng chào đón thời khắc trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật và chúng sinh có thêm năng lượng tạo xây sức sống mới cùng biết bao hy vọng, cầu mong về một năm mới an khang, mùa màng tươi tốt, con người bình yên may mắn và thành đạt, được thể hiện qua các hành vi thực hành nghi lễ trang trọng trước ban thờ tổ tiên và các thần linh.
Nét đẹp văn hóa từ giây phút giao thừa như muốn thể hiện ý nghĩa biểu trưng cho truyền thống hiếu kính với các bậc tiền nhân trong quá khứ, với các bậc sinh thành trong hiện tại và bộc lộ lời nguyện cầu về một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng cho con cháu. Cũng xuất phát từ thời điểm giao mùa linh thiêng này, con cháu từ khắp các gia đình lại tỏa ra bốn phương, ríu rít bên nhau hành hương đến các điểm tâm linh, xin lộc, xin hoa, cầu phúc, cầu tài, hướng về năm mới với biết bao hy vọng tốt đẹp.
Tục xông đất và trao quà mừng tuổi cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt vào buổi sớm đầu năm. Tuân thủ những “phép tắc” bất thành văn từ quá khứ cha ông, con cháu hiện thời chọn mời người xông đất, hợp tuổi hợp mệnh, cầu chúc năm mới may mắn, sung túc trong mọi hoàn cảnh, ăn nên làm ra, học hành tấn tới.
Nhiều gia đình đi lễ chùa ngay sau giao thừa.
Quà mừng tuổi đầu năm mang ý nghĩa biểu tượng hơn là vật chất, thể hiện lòng tôn kính bậc sinh thành, những bậc cao niên trong họ hàng, làng xóm và sự quan tâm đến thế hệ măng non tương lai. Ẩn sau mỗi phần quà mang tính biểu tượng đó còn là lời nhắn nhủ, tâm sự, khuyên răn, gửi trao ý nguyện giữa các thế hệ về khát vọng vào một ngày mai tươi đẹp, may mắn.
Bên cạnh những “thủ tục” chung vốn đã và đang quen thuộc với mọi thế hệ ở hầu khắp các làng quê, có những địa phương lại sáng tạo ra những hình thức đón giao thừa một cách độc đáo, mang bản sắc riêng. Vào dịp giao thừa, làng nghề chạm khắc gỗ nổi tiếng La Xuyên (thuộc huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) còn có tục mọi người kéo nhau ra đình đón năm mới. Mọi người dù giầu hay nghèo, đã ra đình gặp nhau đều hồ hởi, sẵn sàng hoà giải với nhau những chuyện xích mích trong năm và cầu chúc nhau bước sang năm mới gặp nhiều may mắn. Khi giao thừa đến, đêm cuối cùng của năm cũng đã hết, dân làng dự buổi lễ trọng thể tổ chức ngoài trời ngay tại sân đình.
Thật hiếm có dân tộc nào lại cô đọng thế ứng xử của mình trong 3 ngày đầu năm mới một cách cụ thể và hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Mồng Một thì ở nhà Cha / Mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thầy”, như người Việt. Đó là sự phối kết đậm đà giữa lối sống của đạo đức hiếu lễ với đạo đức “tôn sư trọng đạo” vốn đã hình thành và trao truyền, kiểm nghiệm tuân thủ qua nhiều trăm năm của các thế hệ người dân đất Việt. Đó đồng thời cũng là sự tiếp nối của lối sống theo đạo lý truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Cũng từ lối sống trọng thày, đạo đức “tôn sư trọng đạo” ấy mà, tục xin chữ đầu xuân năm mới đã và đang được tiếp nối một cách phổ biến ở hầu khắp các vùng quê. Ngày đầu năm, đến bất kỳ di tích lịch sử văn hóa nào, ở các thôn quê, đều dễ dàng bắt gặp cảnh tượng quây quần xin chữ. Đó là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, thể hiện cho truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.
BÙI HOÀNG
Bình luận