Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 27/05/2024 14:05
TMO - Trong những năm qua, việc triển khai quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh giáp ranh đã góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Khu vực giáp ranh giữa tỉnh Lào Cai với các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang gồm 16 huyện, 81 xã với tổng diện tích rừng tự nhiên hơn 535.912 ha, diện tích đất có rừng hơn 340.918 ha, độ che phủ trên 63,61%. Tổng diện tích vùng giáp ranh của tỉnh Lào Cai với các tỉnh là hơn 209.480 ha; diện tích đất có rừng khu vực giáp ranh là 143.126 ha, thuộc địa bàn 6 huyện, thị xã (Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị xã Sa Pa); phần lớn diện tích là rừng giàu, có nhiều loài cây gỗ quý như pơ mu, dổi, sến, táu mật…
Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đây đều là những khu rừng có tính đa dạng sinh học cao, lưu trữ nhiều nguồn gen quý, hiếm cần đặc biệt quan tâm bảo vệ, như thiết sam, pơ mu, thích tím, vượn đen tuyền, cầy vằn bắc, gà lôi tía, gà lôi trắng, chim trèo cây lưng đen, cá cóc Tam Đảo, cóc răng, cóc mày… Đặc biệt, trong khu vực có loài cây bách tán Đài Loan được ghi nhận có phân bố duy nhất tại huyện Văn Bàn. Vì vậy, việc đẩy mạnh triển khai công tác phối hợp với các địa phương có khu vực rừng giáp ranh để bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đẩy mạnh công tác phối hợp quản lý rừng vùng giáp ranh với các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang.
Trong những năm qua, Lào Cai đã phối hợp Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu triển khai hiệu quả quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh. Các hạt kiểm lâm xây dựng kế hoạch công tác phối hợp quản lý rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh. Thông qua đó, theo dõi diễn biến rừng, chủ động lực lượng, trang - thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng kịp thời ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Hạt kiểm lâm các khu vực giáp ranh thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời nắm bắt tình hình thời tiết tại khu vực giáp ranh để tăng cường kiểm lâm địa bàn vào thời gian nắng nóng.
Hạt kiểm lâm các vùng giáp ranh của 4 tỉnh đã trao đổi thông tin được 441 lần, tuần tra, kiểm soát rừng chung 1.368 lượt; tổ chức tuyên truyền 606 buổi với 41.652 lượt người tham gia, tuyên truyền 70 lượt trường học với 20.125 học sinh, ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với 310 thôn, bản và 17.188 hộ gia đình, 19 trường học… Các tỉnh đã kịp thời xử lý, giải quyết, ngăn chặn các vụ xâm hại tài nguyên rừng. Cụ thể, từ tháng 7/2022 đến tháng 10/2023, các địa phương đã phối hợp xử lý 56 vụ vi phạm luật Lâm nghiệp, lâm sản tịch thu hơn 43 m3 gỗ các loại, 1.146 lá giang, 571 gốc cây mẫu đơn; 5 cá thể dúi mốc nhỏ; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 452 triệu đồng.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai, huyện Văn Bàn có 7 xã giáp ranh với các huyện: Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu) và Văn Yên, Mù Cang Chải (Yên Bái), tổng chiều dài khoảng 115 km. Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực giáp ranh, hằng năm, các huyện ký kết và thực hiện quy chế phối hợp tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm quy định về bảo vệ rừng.
Hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai các hoạt động phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền lưu động để người dân hiểu và có ý thức bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong năm 2023, các xã giáp ranh đã thực hiện 105 buổi tuyên truyền với 3.110 lượt người tham gia; tổ chức cho 10 thôn, bản với 518 hộ ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng được ngành chức năng tỉnh triển khai.
Khu vực rừng giáp ranh giữa thị xã Sa Pa (Lào Cai) với huyện Tam Đường và Tân Uyên (Lai Châu) rộng hơn 8.000 ha, địa hình phức tạp, đồi núi cao, độ dốc lớn, giao thông khó khăn. Đặc biệt, khu vực giáp ranh giữa các huyện là vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia Hoàng Liên - nơi có hệ động vật, thực vật đa dạng và phong phú, hằng năm thu hút nhiều khách đến tham quan, khám phá. Phần lớn diện tích rừng tự nhiên khu vực giáp ranh với trữ lượng rừng giàu, tính đa dạng sinh học cao, lưu trữ nhiều nguồn gen quý hiếm cần đặc biệt quan tâm bảo vệ như vân sam, thiết sam, các loại hoa đỗ quyên… Đây là thách thức đối với công tác quản lý bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Để bảo vệ rừng theo hướng bền vững, Vườn Quốc gia Hoàng Liên tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả các giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh với tỉnh Lai Châu. Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn cho biết: Địa bàn giáp ranh giữa khu bảo tồn với 2 tỉnh Yên Bái và Lai Châu có địa hình chia cắt mạnh, nhiều dông núi cao, vực thẳm. Ở khu vực này, diện tích rừng chủ yếu là rừng đặc dụng với hệ động vật, thực vật phong phú, diện tích rừng đều thuộc địa phận tỉnh Lào Cai, còn phía tỉnh Lai Châu và tỉnh Yên Bái không có rừng.
Vì vậy, để bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra khoảng 12 - 14 đợt/tháng và thành lập 4 chốt bảo vệ rừng tại khu vực trọng yếu. Cùng với đó, đơn vị bố trí lực lượng tiếp cận người dân của các huyện giáp ranh để tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và xử lý các hành vi vi phạm.
Trong năm 2023, tại địa bàn khu vực giáp ranh, tỉnh Lào Cai đã tổ chức 396 buổi tuyên truyền tại thôn, bản với hơn 21 nghìn lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại 113 thôn, bản với 1.783 hộ tham gia; in ấn, cấp phát hơn 2,5 nghìn tờ rơi, áp phích tuyên truyền đến các thôn, bản vùng giáp ranh.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh, trong thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và người dân tham gia trồng rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng cho người dân. Đồng thời, các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi, thay thế cây thảo quả để cải thiện sinh kế cho người dân, hạn chế áp lực vào rừng tự nhiên.
Trần Tuấn
Bình luận