Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 19:01
Thứ sáu, 15/11/2024 11:11
TMO – Với lĩnh vực dịch vụ, Lạng Sơn sẽ ưu tiên thu hút các dự án thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu; du lịch; dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics; dịch vụ giáo dục, y tế theo hướng chất lượng cao, văn minh, hiện đại. Đặc biệt là các dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Hoàn thành đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn.
Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Kế hoạch, Lạng Sơn sẽ ưu tiên thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình; các cụm công nghiệp được bố trí tại các vị trí kết nối thuận tiện với các tuyến hành lang kinh tế dọc theo cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Quốc lộ 4A và cao tốc Đồng Đăng- Trà Lĩnh nối Lạng Sơn với Cao Bằng, Quốc lộ 4B nối Lạng Sơn với Quảng Ninh; các dự án phát triển ngành sản xuất và chế biến, tập trung chế biến nông lâm sản quy mô lớn, cơ sở chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch; các dự án phát triển ngành năng lượng tái tạo, phát triển các khâu trong chuỗi cung ứng ngành điện gió; các ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử, tái chế và sản xuất hàng hoá xuất khẩu.
Ưu tiên thu hút các dự án thương mại và dịch vụ kinh tế cửa khẩu; du lịch; dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics; dịch vụ giáo dục, y tế theo hướng chất lượng cao, văn minh, hiện đại. Đặc biệt là các dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và xây dựng thương hiệu cho du lịch Lạng Sơn, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Hoàn thành đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn.
(Ảnh minh họa)
Với lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ ưu tiên thu hút các dự án thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu, chất lượng cao theo chuỗi giá trị; các dự án phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp với chăn nuôi truyền thống; các dự án đầu tư khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; các dự án góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng, dự án phát triển trồng rừng gỗ lớn, dược liệu dưới tán rừng.
Đối với Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh: Tập trung thu hút và mở rộng các dự án phát triển các kho bãi có sức chứa lớn, đa dạng về công năng tùy theo đặc tính thương phẩm và quy trình lưu thông của hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu. Tập trung hoàn thành đầu tư thí điểm và vận hành cửa khẩu thông minh.
Trước đó, ngày 19/3/2023, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng Lạng Sơn trở thành tỉnh biên giới có kinh tế phát triển, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái được bảo đảm, là một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là "cầu nối" ngày càng quan trọng trong kết nối kinh tế, thương mại giữa Việt Nam, các nước ASEAN, Trung Quốc và châu Âu.
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Lạng Sơn có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 05 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch trở thành động lực tăng trưởng chính, ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông - lâm sản hàng hóa, ứng dụng công nghệ, hiệu quả cao.
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8 - 9%/năm; trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 2,5 - 3,5%/năm; Công nghiệp - xây dựng khoảng 12 - 13%/năm; Dịch vụ khoảng 8 - 9%/năm; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8 - 9%/năm.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12 - 13%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 32 - 33%; Dịch vụ chiếm 50 - 51%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4 - 5%. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 đạt khoảng 150 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2 - 3%/năm (theo chuẩn nghèo của các giai đoạn). Đến năm 2030 cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
VĂN NHI
Bình luận