Hotline: 0941068156
Thứ tư, 09/10/2024 04:10
Thứ bảy, 28/09/2024 06:09
TMO - Lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ nguồn nước, phòng, chống thiên tai. UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp triển khai hiệu quả nhiệm vụ trên.
Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Sở TN&MT thực hiện rà soát, tham mưu điều chỉnh Quyết định số 1857/QĐ-UBND ngày 24/9/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo Luật Tài nguyên nước năm 2023 và Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã xác định mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ địa chính đối với các khu vực đã có bản đồ địa chính; xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; bàn giao mốc giới để quản lý, bảo vệ trên địa bàn. Cập nhật cơ sở dữ liệu về hành lang bảo vệ nguồn nước vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy lợi phải thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật về thủy lợi; tổ chức bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước cho địa phương để quản lý, bảo vệ theo quy định. Sở Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án thủy điện thực hiện hoàn thành công tác cắm mốc, bàn giao mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trước khi thực hiện việc tích nước hồ chứa.
UBND các huyện, thành phố tổ chức quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo chỉ đạo của UBND cấp tỉnh; giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước. Phối hợp với Sở TN&MT trong việc xây dựng, điều chỉnh Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn; thể hiện mốc chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc địa bàn quản lý trên bản đồ địa chính.
Phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa thủy điện trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn và thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn…
Tỉnh Lạng Sơn tiến hành lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước.
Lạng Sơn có hệ thống sông suối khá phong phú, là nguồn cung cấp nước mặt chính cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh, từ năm 2015 trở lại đây, nhu cầu khai thác, sử dụng nước mặt gia tăng, đặc biệt là việc xả nước thải từ các nguồn thải chưa được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để đã làm cho chất lượng nước tại các sông, hồ suy giảm.
Những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu cũng được coi là nguyên nhân làm suy giảm khả năng đáp ứng của nguồn nước, tăng nguy cơ thiếu hụt nước sạch cho các nhu cầu sản xuất và đời sống; thiếu nguồn nước để đảm bảo duy trì hệ sinh thái thủy sinh và bảo tồn đa dạng sinh học; ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và đe dọa sự phát triển bền vững.
Để quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện xây dựng phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra để tích hợp vào quy hoạch tỉnh; thực hiện phê duyệt danh mục ao, hồ không được san lấp trên địa bàn…
Đặc biệt, công tác cấp phép khai thác tài nguyên nước được chú trọng. Từ năm 2014 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định cấp 107 giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân (48 giấy phép khai thác nước ngầm và 59 giấy phép khai thác nước mặt); trình Bộ TN&MT cấp 8 giấy phép khai thác nguồn nước mặt cho các đơn vị đủ điều kiện theo quy định.
Cùng với đó, Sở TN&MT tăng cường chỉ đạo các đơn vị khai thác tập trung sửa chữa, nâng cấp, nâng cao năng lực, phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi như hồ chứa, đập dâng; chú trọng công tác quản lý nhằm chống thất thoát, lãng phí trong khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đề cương, dự toán chi tiết dự án Xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trình UBND tỉnh phê duyệt; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước.
Nhằm bảo đảm tính bền vững, hiệu quả trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, Lạng Sơn đã phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước tỉnh đến năm 2020, định hướng 2030; điều tra, khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Ưu tiên bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt tại các đô thị, khu kinh tế cửa khẩu và các ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao; bảo đảm nước tưới hợp lý cho cây trồng; đầu tư nhiều hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các khu đô thị, khu đông dân cư tập trung nông thôn, vùng khó khăn khan hiếm nước.
Để triển khai Luật Tài nguyên nước 2023, trên cơ sở Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 2/4/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tập trung xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, Lạng Sơn đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước; khoanh định, công bố, điều chỉnh danh mục vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước đối với các dự án tại các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, gắn với cơ sở dữ liệu về môi trường, đất đai, bảo đảm tích hợp với hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Trung ương. Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua việc kết nối, truyền dữ liệu về hệ thống giám sát.
Công khai các thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm và các nguồn nước bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh cho nhân dân biết và phát huy sức mạnh cộng đồng trong theo dõi, giám sát các hoạt động bảo vệ nguồn nước. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm lĩnh vực tài nguyên nước để nâng hiệu quả quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, hướng tới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.../.
Hải Minh
Bình luận