Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 22:01
Thứ sáu, 25/02/2022 15:02
TMO - Cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn đang áp dụng nhiều phương án mới nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa sang Trung Quốc ở các khu vực cửa khẩu.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn, từ 14-22/2, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cùng các sở, ngành tổ chức 4 cuộc hội đàm trực tuyến với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) để thống nhất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu.
Bước đầu hai bên thống nhất triển khai thực hiện các phương thức mô hình thông quan mới theo hướng linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng cửa khẩu và yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, từ ngày 23/2 đã triển khai thí điểm phương thức thông quan theo mô hình đội xe chuyên trách. Các lái xe chuyên trách Việt Nam điều khiển đầu kéo cố định kéo container hàng sang địa điểm chỉ định tại bến bãi phía Trung Quốc rồi thực hiện việc “cắt container” để lại bến bãi phía Trung Quốc. Sau đó, đầu kéo phía Trung Quốc nối container và vận chuyển đi kiểm hoá, giao hàng sau đó kéo container rỗng về địa điểm ban đầu; đầu kéo Việt Nam sau khi cắt container sẽ kéo container hàng hoặc container rỗng về nước.
Phương án "cắt container" đang được triển khai thí điểm tại một số cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn
Trong quá trình lưu thông trên lãnh thổ Trung Quốc lái xe chuyên trách Việt Nam xe niêm phong buồng lái, đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ và đi theo tuyến đường cố định. Dự kiến, mỗi lượt sẽ kéo 30 - 40 container hàng sang Trung Quốc và năng lực thông quan kỳ vọng sẽ đạt 150 - 200 xe/ngày.
Còn tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, phía Trung Quốc đề nghị áp dụng phương thức nhận hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc theo mô hình mới. Cụ thể, phương tiện chở hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ dừng đỗ tại khu vực bến bãi cố định gần đường biên giới, thực hiện cắt container, cẩu container để lại bãi chờ. Sau đó lái xe điều khiển đầu kéo rời khỏi bãi, các lực lượng chức năng sẽ ra khỏi bãi, y tế Việt Nam khử khuẩn làm sạch.
Khi đó, Trung Quốc bố trí xe đầu kéo hoặc sơ mi rơ moóc Trung Quốc vào bãi để thực hiện cẩu, nối container. Sau khi hoàn thành lái xe chuyên trách Trung Quốc sẽ kéo xe hàng về phía Trung Quốc giao hàng. Sau khi hoàn thành việc giao hàng, lái xe chuyên trách Trung Quốc điều khiển phương tiện trả lại container rỗng tại địa điểm chỉ định bên phía Việt Nam. Dự kiến, mỗi lượt sẽ kéo 30-40 container hàng sang Trung Quốc; năng lực thông quan kỳ vọng sẽ đạt 120-150 xe/ngày và 2 bên thống nhất sẽ áp dụng mô hình này từ ngày 1/3 tới.
Cục Hải quan Lạng Sơn nhấn mạnh, đây là phương pháp mới, nền cần có sự thống nhất, đồng thuận giữa các doanh nghiệp với các lực lượng chức năng ở cửa khẩu để có thể triển khai thuận lợi. Theo kế hoạch, trong sáng 25/2 các lực lượng chức năng ở cửa khẩu của Lạng Sơn sẽ có buổi làm việc với các doanh nghiệp để giúp các bên hiểu rõ hơn nguyên lý hoạt động của phương pháp này.
Tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số để đo lường mức độ hiệu quả trong xử lý thông quan
Ngoài 2 phương án đã thống nhất với nước bạn, tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục triển khai thí điểm nền tảng cửa khẩu số tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cửa khẩu Tân Thanh. Các doanh nghiệp áp dụng tối đa việc thực hiện các quy trình, thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai báo trực tuyến dữ liệu hàng hóa, phương tiện vận tải đầu vào. Trong khi đó, các lực lượng chức năng tại cửa khẩu chuyển từ việc nhập dữ liệu thủ công, trực tiếp sang kiểm tra, giám sát, xác nhận trực tuyến trên nền tảng cửa khẩu số.
Phan Hoài
Bình luận