Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ ba, 18/07/2023 04:07
TMO - Sở hữu nhiều loại hình di sản, đặc biệt là di sản địa chất và văn hóa, Lạng Sơn hiện có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC). Hướng tới mục tiêu này, thời gian qua tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, xây dựng Công viên địa chất toàn cầu.
Năm 2021 tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn trên phạm vi hành chính của 5 huyện (gồm Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan) với tổng diện tích 3.845,8 km2, dân số 375.656 người; tương ứng chiếm khoảng 46,3% diện tích và 48,1% dân số toàn tỉnh. Công viên địa chất Lạng Sơn được bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, tổng thể các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học và được định hướng để xây dựng Hồ sơ trình UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Về tiềm năng di sản địa chất trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn thể hiện qua hệ thống các hang động rất nhiều và rất đồ sộ (cả về chiều dài, chiều rộng lẫn chiều cao, nhiều tầng lớp (có cả các hang khô, hóa thạch và các hang ướt, còn đang hoạt động; trong một hang có thể có nhiều tầng hang; thậm chí có thể còn có cả các hang ngầm; các hang phát triển chủ yếu theo chiều nằm ngang; hệ thống thạch nhũ trong hang phong phú, đa dạng, đẹp mắt, đa phần còn được bảo tồn tốt...).
Tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh các giải pháp, khai thác tiềm năng hướng tới xây dựng CVĐC toàn cầu Lạng Sơn. Ảnh: TTX.
Hệ thống các trũng hoặc thung lũng giữa núi, đa phần chưa liên thông với nhau, còn phân cách nhau bởi các cụm đỉnh dạng chóp nón khá cân đối và các quèn, yên ngựa nối đỉnh (có thể tạo nên các hồ nước tự nhiên ở lưng chừng núi). Những đặc điểm này cho thấy địa hình, cảnh quan karst ở Khối đá vôi Bắc Sơn chủ yếu đang ở giai đoạn trưởng thành. Những đặc điểm này khá khác biệt so với các cảnh quan karst ở Cao Bằng (nổi bật là các tháp karst tách rời nhau nổi cao trên các cánh đồng karst đã liên thông hết, đặc trưng cho cảnh quan karst trưởng thành và già, một số tháp chỉ còn là các chỏm sót, tàn dư), hoặc Đồng Văn (nổi bật là karst dạng dãy, còn đang ở giai đoạn trẻ)...
Lạng Sơn là nơi sinh tụ của các dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay, Mông... vùng Công viên địa chất Lạng Sơn có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2016; Hát Then được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2019. Bên cạnh đó có nhiều lễ hội truyền thống, trong đó có 3 lễ hội được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Trò Ngô (huyện Hữu Lũng), Lễ hội Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn), Lễ hội Phài Lừa (huyện Bình Gia).
Trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn có sản phẩm du lịch địa chất tiêu biểu là leo núi thể thao, có thể hình thành nên những con đường di sản hay con đường giáo dục (huyện Chi Lăng, huyện Bắc Sơn), một số làng du lịch cộng đồng đang tồn tại và phát triển; các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như hoa hồi, na Chi Lăng, quýt, mật ong, cao khô (mỳ gạo),…
Hiện nay tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh công tác phối hợp với đơn vị tư vấn điều tra, khảo sát, nghiên cứu bổ sung, đánh giá, xếp hạng các giá trị di sản (văn hóa, đa dạng sinh học, địa chất - địa mạo, địa văn hóa, khảo cổ học); xây dựng và thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong Công viên địa chất Lạng Sơn; xây dựng và triển khai chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và Công viên địa chất Lạng Sơn; đặc biệt là tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương tăng cường hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia các hoạt động của Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, mời chuyên gia tư vấn quốc tế và trong nước xây dựng, đánh giá, hoàn chỉnh Hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu; triển khai các hoạt động nghiên cứu trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn.
Quá trình karst hóa đã tạo cho vùng Công viên địa chất Lạng Sơn một hệ thống hang động đá vôi đẹp, nhiều thạch nhũ và hầu hết đều được bảo tồn nguyên vẹn... Ảnh: VT.
Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025″ gồm 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, dù mới thành lập và đi vào hoạt động nhưng Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Công viên địa chất Lạng Sơn đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao.
UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Quyết định số 1076/QĐ-UBND về việc xác định phạm vi, ranh giới Công viên địa chất Lạng Sơn. Theo đó, Công viên địa chất Lạng Sơn có phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của các huyện: Bắc Sơn; Chi Lăng; Hữu Lũng; Lộc Bình; Văn Quan và TP. Lạng Sơn. Một phần địa giới hành chính của huyện Bình Gia gồm các xã: Bình La, Hồng Thái, Tân Văn, Hoàng Văn Thụ, Mông Ân, Hòa Bình, Thiện Thuật, Thiện Hòa, Thiện Long, Tân Hòa, Minh Khai, Quang Trung, thị trấn Bình Gia.
Một phần địa giới hành chính của huyện Cao Lộc gồm các xã: Thụy Hùng, Phú Xá, Hồng Phong, Bình Trung, Tân Thành, Xuân Long, Tân Liên, Gia Cát, Yên Trạch, Hợp Thành, Hòa Cư, Hải Yến, Công Sơn, Mẫu Sơn; thị trấn Đồng Đăng, thị trấn Cao Lộc.
Công viên địa chất Lạng Sơn có tổng diện tích khoảng 4.842,58 km2 với dân số khoảng 627.500 người (tương đương chiểm khoảng 58% diện tích và 78% dân số toàn tỉnh). Về vị trí tiếp giáp của CVĐC Lạng Sơn như sau: Phía Bắc tiếp giáp với huyện Văn Lãng, một phần của huyện Bình Gia, Cao Lộc và biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Phía Nam tiếp giáp với tỉnh Bắc Giang; Phía Đông tiếp giáp với huyện Đình Lập; Phía Tây tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn.
UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với UBND các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và TP. Lạng Sơn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nhiệm vụ lập Hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC Lạng Sơn là CVĐC toàn cầu; quản lý các hoạt động, phát triển CVĐC Lạng Sơn phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước đó (3/2023), Đoàn chuyên gia tư vấn xây dựng và phát triển Công viên Địa chất Toàn cầu Lạng Sơn đã khảo sát tổng quan hiện trạng giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, sản phẩm du lịch tại huyện Lộc Bình, Hữu Lũng, Chi Lăng, Bình Gia, Văn Quan, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Để đạt tiêu chí của UNESCO về Công viên địa chất toàn cầu, Công viên địa chất Lạng Sơn phải có từ 3-4 tuyến tham quan toàn cảnh công viên địa chất cho du khách.
Ngoài ra, địa phương này cần triển khai các biện pháp để phát triển công viên địa chất như: Quy hoạch bãi đỗ xe tại các địa điểm phục vụ cho việc sử dụng lâu dài; đề xuất đưa thêm một số địa điểm tiêu biểu bổ sung vào các tuyến tham quan dự kiến cũng như phục vụ các tuyến du lịch nội huyện; xây dựng công viên địa chất gắn với phát triển kinh tế xã hội.
Đức Huy
Bình luận