Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ sáu, 18/10/2024 05:10
TMO - Tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu, đến hết năm 2025 tập trung thực hiện hoàn thành cấp sổ đỏ đạt 30% số thửa đất cần cấp sổ đỏ lần đầu chưa được cấp sổ, đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ này lên 95%.
Thực hiện Luật Đất đai 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024. Căn cứ tình hình, kết quả thực hiện công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầutrên địa bàn tỉnh, để sớm hoàn thành việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho người sử dụng đất trên địa tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp.
Trong đó, địa phương này thực hiện đẩy nhanh tiến độ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận lần đầu (đối với các thửa đất đủ điều kiện), phấn đấu đến hết năm 2030 cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận lần đầu trên địa bàn tỉnh, nhằm xác lập cơ sở pháp lý giữa Nhà nước và người sử dụng đất, giúp Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý đối với đất đai, đồng thời để người sử dụng đất thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai và yên tâm đầu tư khai thác tốt tiềm năng đất đai.
Các sở, ban, ngành và UBND các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, tập trung, đồng bộ và thống nhất. Quá trình tổ chức thực hiện phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật; công khai, dân chủ, đảm bảo giữ được ổn định tình hình chính trị - xã hội, an ninh trật tự ở địa phương. Tổ chức triển khai thực hiện phải tập trung, đồng bộ, toàn diện trên địa bàn tỉnh; việc kê khai, đăng ký đất đai phải đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, tuân thủ các quy định của pháp luật đất đai hiện hành, thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Mọi thửa đất đã được kê khai, đăng ký đất đai phải được thể hiện đầy đủ, thống nhất các thông tin trong hồ sơ địa chính ở các cấp.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 tập trung thực hiện hoàn thành cấp sổ đỏ đạt 30% số thửa đất cần cấp sổ đỏ lần đầu chưa được cấp sổ. Trong đó cấp sổ đỏ đối với 78.208 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân và 860 thửa đất của tổ chức. Đến năm 2030 tập trung thực hiện hoàn thành cấp sổ đỏ đạt trên 95% số thửa đất cần cấp sổ đỏ lần đầu chưa được cấp sổ đỏ. Cụ thể là cấp sổ đỏ đối với 247.658 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân và 2.713 thửa đất trở lên của tổ chức.
(Ảnh minh họa).
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND cấp huyện tập trung chỉ đạo, yêu cầu UBND cấp xã nghiêm túc, khẩn trương xác định cụ thể, chính xác số lượng thửa đất, diện tích đất chưa thực hiện đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đủ điều kiện đăng ký đất đai. Thông báo triển khai thực hiện đăng ký đất đai đến các thôn, khu phố danh sách các thửa đất chưa thực hiện đăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, để người sử dụng đất nắm bắt được thông tin cụ thể, hoàn thành việc đăng ký đất đai trong năm 2024
UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tiếp nhận và đẩy nhanh việc giải quyết hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận lần đầu khi người sử dụng đất gửi đến để thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; báo cáo và đề xuất giải quyết dứt điểm các trường hợp có nhu cầu nhưng gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục.
Trong tổ chức thực hiện cần lồng ghép các bước công việc để rút ngắn thời gian, với phương châm “lập hồ sơ một lần, làm đến đâu chắc đến đó”, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai và UBND các xã, phường, thị trấn nhằm tháo gỡ các khó khắn, vướng mắc giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thẩm định kiểm tra hồ sơ cấp Giấy chứng nhận và đẩy nhanh thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện để trình UBND cấp huyện ký cấp Giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
Chủ động bố trí nguồn kinh phí cấp huyện để thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính trước đây đo bao, đo gộp hoặc đo chưa chính xác vị trí, ranh giới thửa đất theo hiện trạng sử dụng để đảm bảo thực hiện kê khai đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận. Bố trí, sắp xếp nguồn lực về con người để tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; chỉ đạo quyết liệt UBND cấp xã và các phòng chuyên môn thực hiện hoàn thành công tác kê khai đăng ký đất đai, làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Trường hợp có nội dung khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
UBND các xã, phường, thị trấn thành lập các Tổ thường trực tiếp nhận, phân loại, xử lý các đơn đề nghị đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp xã làm Tổ trưởng. Tổ thường trực có trách nhiệm rà soát, phân loại, thống kê từng thửa đất các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng trên địa bàn, các trường hợp sử dụng đất chưa đăng ký, chưa được cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận; xác định rõ nguyên nhân tồn tại, khó khăn vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương để tập trung kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc cụ thể theo thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn.
Đối với các trường hợp phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất mới thực hiện được việc cấp Giấy chứng nhận thì phải lập danh mục, tổng hợp, báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố để kịp thời chỉ đạo cập nhật vào Quy hoạch sử dụng đất để có cơ sở giải quyết theo quy định.
Phối hợp thường xuyên chặt chẽ với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn Phòng đăng ký đất đai cấp huyện trong việc rà soát, thống kê, kê khai, lập hồ sơ; thẩm tra, xét duyệt hồ sơ theo quy định, với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, “lập hồ sơ một lần, làm đến đâu chắc đến đó”, phối hợp để kịp thời trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp.
UBND các huyện, thành phố xây dựng và ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện Kế hoạch này, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận cho từng xã, phường, thị trấn; tổ chức quán triệt, triển khai, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch này đến tất cả các xã, phường, thị trấn, các thôn, xóm, bản, khu dân cư, tổ dân phố theo hình thức hiệu quả, phù hợp với thực tế địa phương.
Khẩn trương cân đối, bố trí kịp thời, đủ kinh phí từ ngân sách địa phương (từ thu tiền sử dụng đất) để đầu tư cho công tác đo đạc, chỉnh lý biến động bản đồ, hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận. Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện đăng ký đất đai đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận của cấp huyện. Hằng năm cân đối, bố trí kinh phí từ 10% số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế đất để thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận.
Chỉ đạo rà soát, phân loại, thống kê các thửa đất các cá nhân đang sử dụng trên địa bàn, các trường hợp sử dụng đất theo bản đồ địa chính nhưng chưa đăng ký, chưa được cấp, cấp đổi Giấy chứng nhận; xác định rõ nguyên nhân tồn đọng, khó khăn, vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương để tập trung kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc cụ thể theo thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận.../.
Thu Hằng
Bình luận