Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 20/04/2025 17:04
Chủ nhật, 20/04/2025 12:04
TMO - Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Căn cứ văn bản đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc hỗ trợ địa phương kiểm soát chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu niên vụ năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ cử các trung tâm phân tích trực thuộc đã được Trung Quốc và Việt Nam chỉ định hỗ trợ cho tỉnh Lâm Đồng thực hiện kiểm tra đối với sản phẩm sầu riêng để phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là cho niên vụ 2025; đồng thơi, nghiên cứu thành lập chi nhánh của các đơn vị phân tích tại Lâm Đồng để thuận tiện cho công tác lấy mẫu phân tích. Chi nhánh các đơn vị phân tích tại tỉnh Lâm Đồng được thành lập theo chủ trương xã hội hóa, hoạt động kiểm nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tiếp nhận, đánh giá, chỉ định các phòng kiểm nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước về thực phẩm. Trong đó, bên cạnh các phòng kiểm nghiệm của Bộ còn có nhiều phòng kiểm nghiệm của các cơ quan đơn vị khác, đặc biệt có sự tham gia tích cực của các phòng kiểm nghiệm nước ngoài, các phòng kiểm nghiệm tư nhân trong nước.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Đến nay, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã chỉ định tổng cộng 49 phòng kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý Nhà nước; trong đó, có 15 đơn vị được chỉ định kiểm nghiệm chất vàng O và 33 đơn vị được chỉ định kiểm nghiệm chất Cadimi trong nông sản để phục vụ quản lý Nhà nước.
Các phòng kiểm nghiệm này đã được thông báo để đăng ký với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để tổng hợp, gửi phía Trung Quốc. Danh sách các phòng kiểm nghiệm Cadimi và vàng O trong mít, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đã được Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thông báo rộng rãi tới các chủ hàng, cơ sở bao gói trong cả nước.
Thời gian qua, Tổng cục Hải quan Trung quốc đã có thông báo về đề nghị bổ sung mới hoặc khôi phục các phòng kiểm nghiệm đã bị tạm dừng có nhu cầu kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm trên quả tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngay sau đó, ngày 1/4/2025, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có công văn thông báo rộng rãi tới các phòng kiểm nghiệm để hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đăng ký để tổng hợp gửi phía Trung Quốc.
Việc thành lập các chi nhánh phân tích tại tỉnh Lâm Đồng phụ thuộc vào chính sách của từng phòng kiểm nghiệm. Tuy nhiên, để đảm bảo việc kiểm nghiệm được thực hiện hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị địa phương hướng dẫn các cơ sở đóng gói, chủ hàng liên hệ, làm việc với các phòng kiểm nghiệm để thống nhất cách thức lấy mẫu, khối lượng mẫu cũng như thời gian, địa điểm lấy mẫu cho cả niên vụ để chủ động cho cả hai bên trong công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm, xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường hoan nghênh UBND Lâm Đồng trong việc chủ động xây dựng đơn vị kiểm nghiệm tại địa phương để tham gia kiểm nghiệm nông sản của địa phương phục vụ xuất khẩu, trong đó có sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị địa phương lựa chọn đơn vị có năng lực trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ trên. Đồng thời, giao Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường hướng dẫn để đơn vị hoàn thiện năng lực, nhanh chóng thực hiện các thủ tục để được đánh giá, chỉ định, sau đó gửi hồ sơ để Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổng hợp, gửi Trung Quốc phê duyệt.
Đối với việc xác định nguyên nhân, biện pháp khắc phục sầu riêng nhiễm Cadimi cũng như nghiên cứu, xác định, hướng dẫn hoạt chất được phép sử dụng để xử lý sau thu hoạch…, Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ trì phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện; đồng thời, đề nghị các cơ quan chuyên môn của địa phương liên hệ, trao đổi với Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để được hướng dẫn cụ thể.
Năm 2024, sản lượng sầu riêng xuất khẩu của tỉnh là 25.518 tấn.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường cử cán bộ các Trung tâm phân tích trực thuộc đã được Trung Quốc và Việt Nam chỉ định, hỗ trợ địa phương thực hiện kiểm tra đối với các sản phẩm sầu riêng để phục vụ xuất khẩu đặc biệt là cho niên vụ 2025.
Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường của tỉnh tăng cường tuyên truyền hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân áp dụng các quy trình kỹ thuật canh tác, biện pháp sau thu hoạch đáp ứng các yêu cầu từ phía Trung Quốc với các sản phẩm sầu riêng cũng như thực hiện giám sát chặt chẽ các vùng trồng…
Tuy nhiên, hiện các đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định trong nước đang tạm dừng tiếp nhận mẫu phân tích. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa có đơn vị nào đáp ứng được việc phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với sầu riêng để xuất khẩu, đặc biệt là chất vàng O (Auramine O) để đáp ứng nhu cầu phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng và chất vàng O trong sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Các đơn vị, cá nhân của tỉnh phải gửi mẫu kiểm soát chất lượng sầu riêng về TP.HCM hoặc Hà Nội, Đà Nẵng gây tốn kém về chi phí và kéo dài thời gian chờ đợi kết quả phân tích, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các cơ sở cũng như việc chỉ đạo sản xuất, xử lý các vi phạm trong thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cử các Trung tâm phân tích trực thuộc đã được Trung Quốc và Việt Nam chỉ định, hỗ trợ cho tỉnh Lâm Đồng thực hiện kiểm tra đối với các sản phẩm sầu riêng để phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là cho niên vụ 2025.
Các cơ quan chức năng nghiên cứu thành lập chi nhánh của các đơn vị phân tích đặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để thuận tiện cho công tác lấy mẫu, phân tích. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện các thủ tục để có đơn vị tại tỉnh Lâm Đồng được Việt Nam và Trung Quốc chỉ định phân tích các sản phẩm xuất khẩu, ưu tiên đối với sản phẩm sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc...
Lâm Đồng có tổng diện tích trồng sầu riêng trên 20.000 ha với sản lượng thu hoạch đạt trên 140.00 tấn, trong đó có 9.121 ha ở giai đoạn kinh doanh. Diện tích trồng xen 7.714,5 ha, trong đó 1.723 ha ở giai đoạn kinh doanh. Vùng trồng sầu riêng tập trung nhiều nhất tại các huyện Đạ Huoai, Di Linh, Bảo Lâm với tổng diện tích 13.965 ha, sản lượng 84.298 tấn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, sản lượng sầu riêng xuất khẩu là 25.518 tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng khoảng 104,15 triệu USD, tăng 2,72 triệu USD so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng tươi đạt 20.214 tấn và sầu riêng bóc múi đông lạnh đạt 1.326 tấn.
Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành 35 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng với sự tham gia của 1.639 hộ dân với diện tích 4.339 ha; riêng huyện Đạ Huoai có 19 chuỗi với 731 hộ và diện tích 1.513 ha. Toàn tỉnh hiện có 61 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thu mua sầu riêng. Phần lớn sản lượng sầu riêng sản xuất tại địa phương (khoảng 85%) được cung ứng cho thị trường tiêu thụ tươi. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 114 mã số vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích 5.489,13 ha (chiếm 60,2% tổng diện tích trồng thuần đang trong giai đoạn kinh doanh) và 10 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.../.
Đức An
Bình luận