Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 12/12/2023 07:12
TMO - Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại từ cháy rừng, UBND tỉnh Lai Châu chỉ đạo các địa phương triển khai linh hoạt biện pháp phòng, chống cháy rừng, sẵn sàng phương án, lực lượng.
Thống kê hiện trạng rừng năm 2022 của tỉnh Lai Châu cho thấy, tính đến hết tháng 12/2022 diện tích rừng của tỉnh là 485.602,14ha, trong đó diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng 472.676,04ha, diện tích cây cao su 12.944,10ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,87%. Theo báo cáo của ngành chức năng: Mùa khô năm 2022-2023, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, nắng nóng khô hanh kéo dài song với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp của các cấp, các ngành liên quan, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và nhân dân trên địa bàn nên công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm qua đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Toàn tỉnh xảy ra 41 vụ cháy rừng, cây trồng chưa thành rừng, tổng diện tích 200,79ha. Đã truy tìm và xử lý được 15/41 vụ với 14 đối tượng gây cháy rừng và cây trồng chưa thành rừng. Diện tích rừng cây trồng chưa thành rừng đã phục hồi 133,86ha, diện tích thiệt hại không có khả năng phục hồi 66,93ha. Các lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền tới 986 lượt thôn bản, 15 trường học với 5.696 lượt cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia. Ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR đến 21.339 lượt hộ gia đình. Các huyện, thành phố tổ chức 7 cuộc diễn tập cấp xã, duy trì 25 chốt canh tác tạm thời và 15 chốt gác kiên cố tại cửa rừng thuộc các xã có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao…
Trong thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được địa phương này quyết liệt triển khai thực hiện giải pháp, tăng cường công tác tuyên truyền, qua đó ý thức trách nhiệm về bảo vệ rừng và PCCCR của các chủ rừng và nhân dân được nâng lên. Sự phối hợp giữa các lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ, kiểm lâm và quần chúng nhân dân được tăng cường, kịp thời ngăn chặn và dập tắt các vụ cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Tuy nhiên, từ đầu năm thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hanh kéo dài, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 31 vụ cháy, làm ảnh hưởng 166,01 ha rừng tự nhiên, rừng trồng.
Người dân xã Tà Mung, huyện Than Uyên phát dọn thực bì phòng chống cháy rừng.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới, đặc biệt là mùa khô năm 2023 - 2024, nước ta sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hiện tượng EL-NINO, do đó nắng nóng gay gắt sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Lai Châu, mùa đông ngắn, khô hạn kéo dài, lượng mưa trung bình thấp hơn 15% so với cùng kỳ, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Để chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, hạn chế số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành chức năng, địa phương triển khai hiệu quả phương án, kế hoạch trong công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, UBND các huyện, thành phố tiếp tục củng cố, kiện toàn và tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy PCCCR tại địa phương; chỉ đạo các chủ rừng thành lập, kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; duy trì các tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng thôn bản; rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng theo đúng phương châm “4 tại chỗ”.
Trong thời gian nắng nóng, nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên, chỉ đạo các Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã phân công thành viên, cán bộ thường trực 24/24 giờ tại trụ sở cơ quan kể cả các ngày nghỉ, ngày lễ, tết để tiếp nhận thông tin báo cháy; tăng cường lực lượng tuần tra để phát hiện đám cháy rừng và thảm cỏ để triển khai kịp thời các biện pháp chữa cháy hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; nghiêm cấm các hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng.
Công tác diễn tập ứng phó với các tình huống cháy rừng được tỉnh Lai Châu đẩy mạnh triển khai. Ảnh: T.Thành.
Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng, mua, bán lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không đúng quy định pháp luật. Chỉ đạo các chủ rừng phối hợp các địa phương bố trí lực lượng trực, canh gác phát hiện sớm lửa rừng; tổ chức tuần tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ người ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy trong thời gian cao điểm nắng nóng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, máy móc, dụng cụ chữa cháy để sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm tại trang điện tử của Cục Kiểm lâm (kiemlam.org.vn); kịp thời thông báo cấp dự báo cháy rừng cho Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thông huyện, thành phố và hệ thống loa phát thanh của xã, thôn (bản), tuyên truyền lưu động và các hình thức phù hợp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chủ rừng, nhân dân; khi xảy ra cháy rừng phải triển khai ngay lực lượng chữa cháy và thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Ban Chỉ huy PCCCR của tỉnh thông qua cơ quan thường trực Sở NN&PTNT.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR tỉnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR. Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCCR. Chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền đến người dân khi cấp dự báo cháy rừng ở Cấp IV và Cấp V; theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng để có phương án ứng phó kịp thời. Bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin tình hình cháy rừng tại các địa phương, đơn vị; tổng hợp tình hình thực hiện của các địa phương, đơn vị, diễn biến tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ huy PCCCR để có phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng khi cần thiết.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia chữa cháy rừng; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời ứng cứu các tình huống khẩn cấp về cháy rừng khi có yêu cầu của địa phương. Đồng thời, Công an tỉnh chỉ đạo Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, truy tìm đối tượng gây cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép để xử lý theo quy định của pháp luật...
Đức Hải
Bình luận