Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ năm, 14/12/2023 08:12
TMO - Việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu, mà còn nâng cao hiệu quả chăm sóc quản lý, bảo vệ rừng, tỷ lệ che phủ rừng tăng.
Thông tin từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu, cho biết: Việc chi trả tiền DVMTR trên địa bàn tỉnh Lai Châu tương đối thuận lợi, không nợ đọng. Đối với công tác chi trả tiền DVMTR từ các bên cung ứng là Ban Quản lý rừng phòng hộ các huyện, UBND cấp xã và cho người dân nhận khoán, nhận hợp đồng bảo vệ rừng, các đơn vị cơ bản thanh toán xong tiền DVMTR cho người dân nhận bảo vệ rừng đảm bảo đúng thời gian quy định.
Cụ thể, trong năm 2022 tổng diện tích đất có rừng được chi trả DVMTR trên toàn tỉnh là: 450.536,65 ha. Chủ rừng là Doanh nghiệp (05 đơn vị): 307,73 ha. Chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ (07 đơn vị): 210.951,51 ha. Chủ rừng là cộng đồng dân cư (07 cộng đồng): 1.992,16 ha. UBND cấp xã (106 xã, phường, thị trấn): 237.285,25 ha. Đến ngày 04/5/2023, Quỹ đã chi trả xong tiền DVMTR năm 2022 cho 123/125 bên cung ứng DVMTR.
Thời gian qua, đối với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam triển khai, tiếp nhận tiền ủy thác chi trả DVMTR của các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng năm 2023 đảm bảo đúng quy định. Trong 9 tháng của năm 2023, Quỹ đã thực hiện tiếp nhận 71.032,24 triệu đồng. Đối với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực trong tỉnh, trong 9 tháng của năm 2023, Quỹ đã thực hiện đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 08 đơn vị (nhà máy thủy điện: Chu Va 2, Nậm Củm 3, Van Hồ, Chàng Phàng, Nậm Củm 5, Nậm Xe, Nậm Cuổi, Nậm Xí Lùng 2) nâng tổng số hợp đồng đã ký kết là 56 đơn vị.
Chi trả DVMTR trở thành nguồn lực quan trọng trong công tác bảo vệ, phát triển rừng tại tỉnh Lai Châu.
Trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ bảo vệ rừng được tốt hơn. Từ đó tỉ lệ che phủ rừng vì thế ngày một tăng lên, chất lượng rừng được nâng cao và góp phần cải thiện được môi trường sinh thái. Việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR không những từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ rừng mà còn huy động được nguồn nhân lực lớn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng một cách thường xuyên.
Để giữ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và chính quyền các xã giao cho các bản quản lý, bảo vệ rừng hàng năm. Với người dân, cộng đồng đã thành lập các tổ chuyên trách bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó, thực hiện chính sách chi trả DVMTR kịp thời và đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, hướng dẫn, định hướng cho người dân sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả. Có thể thấy tại khu vực được hưởng chính sách chi trả DVMTR đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ rừng, các bộ phận nhận khoán bảo vệ rừng với chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm trong công tác phát triển rừng bền vững, góp phần chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có hiệu lực trên phạm vi cả nước từ ngày 1/1/2011 theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ đã khẳng định hướng đi đúng đắn, góp phần cải thiện sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi. Cùng với nguồn thu từ hai dịch vụ chủ yếu là thủy điện và nước sạch, thực hiện quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, hiện nay đã có thêm hai loại dịch vụ môi trường rừng mới là cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ nuôi trồng thủy sản đang được áp dụng triển khai rộng rãi trên toàn quốc.
Dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực rất quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực rất quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng. 11 tháng năm nay, cả nước đã thu được gần 3.100 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 42,02%. Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, dịch vụ môi trường rừng là nguồn lực rất quan trọng góp phần vào việc phát triển kinh tế của đất nước nói chung và phát triển kinh tế lâm nghiệp nói riêng. Trong năm 2022, cả nước đã thu được trên 3.700 tỉ đồng; 11 tháng năm nay, đã thu được gần 3.100 tỉ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, cả nước có 718 chủ rừng đang quản lý 7,65 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp; có 417 phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, đạt 58% tổng số phương án cần phê duyệt; có 445.500 ha được cấp chứng chỉ rừng (rừng phòng hộ 38.565 ha, rừng trồng sản xuất 407.000 ha).
Ước tính có khoảng 25 triệu người, với trên 12 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng, hàng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Ngoài ra, hoạt động lâm nghiệp còn được thực hiện tại các khu công nghiệp chế biến lâm sản, các làng nghề sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản. Chi trả DVMTR ngày càng khẳng định là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành Lâm nghiệp. Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì và ổn định.
Chính sách chi trả DVMTR đã tạo nên mối liên kết vững chắc giữa người cung ứng và người sử dụng DVMTR trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Tiền DVMTR đã góp phần bổ sung nguồn lực cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; đồng thời giúp người dân bảo vệ rừng có tiền cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống. Từ nguồn tiền DVMTR các chủ rừng, UBND cấp xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng theo quy định mà trước đây do nguồn ngân sách hạn hẹp chưa có điều kiện bố trí.
Bích Hà
Bình luận