Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 14:11
Thứ ba, 25/06/2024 14:06
TMO - Với đặc điểm địa hình nhiều sông, suối, có độ dốc cao, dòng chảy xiết là nguồn thủy năng lớn để phát triển thủy điện. Phát huy tiềm năng này, tỉnh Lai Châu thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư vào xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã khai thác được tiềm năng thủy năng các sông, suối để thu hút đầu tư thủy điện. Các dự án trên địa bàn Lai Châu đã và đang phát huy tốt hiệu quả sau đầu tư, đóng góp một phần sản lượng điện cho lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, phát triển thủy sản lòng hồ… thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đã tích hợp 160 dự án thủy điện đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch với quy mô tổng công suất 4.271,35MW, điện lượng trung bình năm là 15,6 tỷ triệu kWh. Hiện nay, UBND tỉnh Lai Châu đã được cấp chủ trương đầu tư 122 dự án với quy mô tổng công suất 3.866,15MW, điện lượng trung bình là 14.144 triệu kWh, tổng mức đầu tư trên 120.400 tỷ đồng.
Các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đóng góp một phần sản lượng điện cho lưới điện quốc gia, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh năng lượng...
Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết: Đến thời điểm hiện tại tình hình thực hiện các dự án như sau: Có 54 dự án đã đưa vào vận hành phát điện với tổng công suất 29.950,55MW, điện lượng trung bình năm 11.043 triệu kWh. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 5 dự án đã hoàn thành với tổng công suất 55MW gồm các dự án thủy điện Mường Mít, Nậm Cuổi, Nậm Be 2, Nậm Cấu 1, Nậm Pì. Theo dự kiến, 6 tháng cuối năm 2024 có thêm 11 dự án với tổng công suất 196MW, nâng tổng số công trình hòan thành và xây dựng là 65 công trình với tổng công suất 3.146,85MW.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lai Châu, định hướng phát triển công nghiệp năng lượng được triển khai thực hiện theo chủ trương, định hướng của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh; việc triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch ngành có liên quan.
Các dự án thủy điện được đầu tư và đi vào hoạt động phát huy tốt hiệu quả, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng giá trị sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, thủy điện còn tạo tiềm năng phát triển thủy sản lòng hồ, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định, đồng hành cùng địa phương trong xóa đói giảm nghèo. Hoạt động của các thủy điện còn góp phần giảm lũ cho vùng hạ lưu trong mùa mưa và điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong mùa khô.
Các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả đầu tư, tuyến năng lượng sử dụng hầm dẫn nước, nhà máy nhỏ đập thấp không gây nhiều tác động xấu tới môi trường cũng như ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân. Công trình thủy điện đi vào hoạt động đã hoàn thành tốt nghĩa vụ tài chính với địa phương.
Phí chi trả dịch vụ môi trường rừng do các đơn vị thủy điện trả được chi đủ, đúng đối tượng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng. Với tổng thu bình quân hơn 500 tỷ đồng/năm, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 84 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số được chi trả tiền từ dịch vụ này; mức chi trả bình quân gần 6 triệu đồng/hộ. Và cũng với việc thu tiền từ dịch vụ môi trường rừng, hơn 450 nghìn héc-ta rừng của Lai Châu được chăm sóc, bảo vệ thường xuyên, nâng mức độ che phủ rừng từ 41,6% năm 2011 lên hơn 52% như hiện nay.
Nhà máy thủy điện Nậm Na 2 tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Cục Thuế tỉnh Lai Châu cho biết, từ năm 2021 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí của Chính phủ để giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn phục hồi phát triển kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn có giảm nhưng vẫn đạt trên 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Nguồn thu ổn định trên có đóng góp không nhỏ của các nhà máy thủy điện. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 49 dự án thủy điện hoàn thành phát điện với tổng công suất lắp máy đạt 2.895MW và lượng điện bình quân đạt hơn 10 tỷ kWh mỗi năm. Cùng với các nhà máy thủy điện lớn của tỉnh như: Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát (là những công trình trọng điểm quốc gia), các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn hàng năm còn đóng góp trên 60% tổng số thu của tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu thu ngân sách đạt 3.000 tỷ đồng vào năm 2025. Tính đến thời điểm hiện tại, mức thu ngân sách địa phương mới đạt trên 2.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 160 dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất trên 4.274MW, hiện có 122 dự án được cấp chủ trương đầu tư; 49 dự án đã phát điện thương mại và 73 dự án đang thi công, chuẩn bị thi công. Việc hoàn thành và vượt chỉ tiêu nghị quyết sẽ có thể sớm được thực hiện nếu các dự án thủy điện trên địa bàn được triển khai và đi vào hoạt động đúng tiến độ.
Cục Thuế tỉnh Lai Châu cho biết, các đơn vị thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh hằng năm đều nộp thuế đúng hạn, không phát sinh nợ xấu, nợ đọng. Đối với một tỉnh miền núi như Lai Châu nếu không có các thủy điện thì nguồn thu ngân sách hằng năm rất thấp. Ngoài thủy điện ra thì chỉ có thuế đất và một số nguồn thu khác rất nhỏ, Lai Châu lại gần như không có cụm, khu công nghiệp nào.
Vì vậy hằng năm, nguồn thu thuế từ các dự án thủy điện những năm gần đây đều chiếm từ 65-70% nguồn thu ngân sách địa phương. Dự kiến khi tất cả các dự án thủy điện đã được quy hoạch đưa vào vận hành phát điện, hằng năm sẽ đóng góp cho nguồn thu thuế của tỉnh Lai Châu khoảng 3.312 tỷ đồng. Trong đó, các dự án thủy điện nhỏ chiếm khoảng 1.718 tỷ đồng, tương đương 51,87% tổng nguồn thu thuế từ thủy điện.
Theo đánh giá chung của UBND tỉnh Lai Châu, việc phát triển thủy điện hiệu quả trên địa bàn tỉnh mang lại nhiều lợi ích. Về mặt phát triển kinh tế - xã hội, các công trình thủy điện đã đưa vào vận hành, hàng năm cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia trên 07 tỷ kWh, đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương. Dự kiến đến hết năm 2024, các nhà máy thủy điện trên địa bàn Lai Châu đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng trên 1.500 tỷ đồng với các loại thuế, phí, dịch vụ môi trường…
Với các dự án thủy điện đang thi công, trong quá trình thi công sẽ tạo công ăn việc là cho người dân khu vực dự án. Ngoài ra, người dân khu vực dự án co được hưởng chi phí dịch vụ môi trường rừng do các công trình thủy điện chi trả, từ đó nâng cao thu nhập và ý thức giữ rừng của người dân.
Hoàng Liên
Bình luận