Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 23:01
Thứ sáu, 30/08/2024 15:08
TMO - Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này cũng gây tác động, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát, quản lý hiệu quả.
Việt Nam có hơn 5.000 điểm mỏ với khoảng 60 loại khoáng sản khác nhau. Hiện ngành khai thác khoáng sản đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang tác động xấu đến môi trường xung quanh như: tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường, tích tụ và phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước, nguy cơ ô nhiễm không khí và nước.
Thời gian qua, các hộ dân sinh sống ở thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình (gần mỏ đá Bụng Cóc) thường xuyên chịu cảnh bụi bay mịt mù từ hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển đá, bên cạnh đó người dân nơi đây còn cho rằng nhà cửa bị nứt là do sức ảnh hưởng của việc nổ mìn của Công ty TNHH MTV Đầu tư Thành Hưng Hòa Bình gây ra.
Mỏ đá Bụng Cóc của Công ty TNHH Đầu tư Thành Hưng Hòa Bình.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH MTV Đầu tư Thành Hưng Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 54/QĐ-UBND ngày 20/09/2012 để khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Bụng Cóc, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Diện tích được phép khai thác là 10,0ha, thời hạn là 30 năm, giấy chứng nhận đầu tư số 25121000363 cấp ngày 13/6/2012. Hợp đồng thuê đất số 101/HĐ-TĐ ngày 29/10/2014, diện tích thuê đất là 109.779,0m2, thời hạn thuê đất đến ngày 20/9/2042. Ngày 9/10/2023, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành văn bản số 1767/UBND-KTN cho phép Công ty được tiếp tục hoạt động khai thác đá vôi trở lại tại khu vực núi Bụng Cóc.
Theo ghi nhận, mỏ đá Bụng Cóc nằm gần khu dân cư thôn Đồng Bong, bên trong có nhiều máy móc, phương tiện hoạt động. Con đường đi qua thôn Đồng Bong có nhiều xe chở đá ra vào, những chiếc xe tải lớn này không chỉ gây rung chấn mà còn cuốn theo cả bụi mù mịt vào nhà người dân 2 bên đường. Bên cạnh đó lượng lớn bụi được phát sinh trong quá trình nổ mìn khai thác, đục và nghiền đá, vào những ngày nắng gió to bụi bay trắng cả một vùng. Trước tình trạng này, các hộ dân nơi đây hầu hết đều phải đóng kín cửa. Bên cạnh đó nhiều hộ dân còn trồng nhiều loại cây trước cửa nhà để chắn bụi tuy nhiên cứ vài ngày không có mưa là bụi từ các hoạt động của mỏ đá lại phủ trắng các lá cây.
Xe vận chuyển ra vào mỏ đá gây bụi mù mịt.
Chị Trần Thị Thanh (thôn Đồng Bong) là hộ gia đình sinh sống đối diện mỏ đá chia sẻ: “Nhà tôi ở đối diện cổng ra vào mỏ đá nên hầu như bụi từ quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển đá đều xộc thẳng vào nhà tôi. Bụi nhiều nên gia đình thường xuyên đóng kín cửa, cứ cách vài tiếng mà không lau chùi là bụi đã bám đầy ở sân hè và cửa rồi”.
Chia sẻ thêm về tình trạng này, chị Nguyễn Thị Hương - người dân địa phương cho biết: “Gia đình tôi có hơn 5.000m đất trồng cây ăn quả gồm bưởi và na nằm ngay sát mỏ đá. Nhiều hôm làm vườn mỏ đá nổ mìn, họ còi nhỏ, đến khi tiếng nổ rầm trời, đá bay vào vườn tôi mới biết mà chạy. Khi nổ mìn xong, bụi đá theo chiều gió tạt thẳng vào nhà. Thậm chí, đá còn văng vào nhà người dân gây hỏng mái tôn".
Vườn na và bưởi của chị Hương nằm ngay sát khu vực mỏ chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Tại đơn kiến nghị của người dân địa phương gửi cho các cấp và cơ quan chức năng thì nhà cửa của các hộ dân bị ảnh hưởng, hư hại do mỏ đá gây ra. Theo đó ngày 3/6/2024 đã xảy ra sự cố đá văng vào mái hiên của hộ ông Nguyễn Bá Dũng với kích cỡ viên đá khoảng 4x6cm. Nhiều hộ dân nơi đây cũng cho rằng nhà cửa họ bị nứt, gãy là do rung chấn từ các hoạt động nổ mìn, khai thác và vận chuyển của mỏ đá. Chị Võ Thị Kim Cúc (thôn Đồng Bong) cho biết: Căn nhà của gia đình chị vừa mới xây xong năm ngoái nhưng từ khi mỏ đá đi thì dần dần các vết nứt tường, nứt nền trên căn nhà chị ngày càng lộ rõ và xuất hiện nhiều hơn.
Công trình nhà cửa của chị Cúc bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác đá.
Không chỉ đối diện với tình trạng ô nhiễm bụi mà tiếng ồn cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân nơi đây bức xúc, việc nổ mìn tạo ra tiếng nổ lớn khiến người lớn và trẻ nhỏ ở đây mỗi khi nghe thấy tiếng nổ mìn là đều giật mình. Tiếng ồn từ việc đục, nghiền đá từ sáng tới chiều mỗi ngày khiến người dân nơi đây đều phải sống chung với ô nhiễm tiếng ồn. Người dân địa phương sinh sống cách mỏ đá khoảng 200-300m cho biết: Mỗi lần mỏ đá nổ mìn họ thấy giống như có động đất, cửa kính rung lên. Có những lần, mìn nổ to quá, những cháu nhỏ co rúm người lại vì sợ hãi.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường, ông Lê Anh Thương – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Thủy cho biết, khi nhận được phản ánh cùng đơn kiến nghị của nhân dân thôn Đồng Bong thì UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra về hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty TNHH MTV Đầu tư Thành Hưng Hòa Bình.
Tại báo cáo số 333/BC-UBND của UBND huyện Lạc Thủy ngày 1/8/2024 về kết quả kiểm tra thực trạng hoạt động nổ mìn khai thác đá của Công ty TNHH MTV Đầu tư Thành Hưng Hòa Bình thì công ty trên cho chạy dây chuyền nghiền đá và vận hành hệ thống dập bụi, qua quan sát cho thấy với trang thiết bị về xử lý môi trường nêu trên có tác dụng ở khu vực chế biến, nghiền sàng đá; khu vực nổ mìn chỉ hạn chế được phần nào bụi phát tán nếu việc nổ mìn ở trên cao.
Tại khu vực mỏ chưa áp dụng biện pháp giảm thiểu bụi phát tán ra bên ngoài như lưới chắn bụi, hàng rào cây xanh. Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận phản ánh của người dân về hoạt động nổ mìn khai thác đá có phát sinh bụi, rung chấn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Đoàn kiểm tra đã đối chiếu kết quả đo đạc với Sơ đồ giám sát ảnh hưởng nổ mìn mỏ đá núi Bụng Cóc do Công ty cung cấp (đã được Sở Công thương kiểm tra, giám sát), khoảng cách giữa 2 kết quả có sự chênh lệch từ 10m-20m. Đối vỡi bãi mìn số 2 hiện nay đang thực hiện nổ mìn có khoảng cách đến nhà dân gần nhất là trên 300m, khoảng cách đến nghĩa trang thôn Đồng Bong là 161,65m, khoảng cách đối với các công trình, khu vực sản xuất của người dân thôn Đồng Bong là trên 200m.
Trước đó Công ty TNHH MTV Đầu tư Thành Hưng Hòa Bình đã bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt tại Quyết định xử phạt số 06/QĐ-XPVPHC ngày 19/7/2024 với số tiền 80.000.000 đồng (tám mươi triệu đồng) vì khai thác không đúng hệ thống mở vỉa.
Bên cạnh các lợi ích phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội, thì khai thác và chế biến khoáng sản cũng gây nhiều tác động đến môi trường. Trước tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn kéo dài tại thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy đòi hỏi các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát; doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành, tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đời sống của người dân sinh sống chung quanh các điểm mỏ.
Quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, chế biến và khai thác khoáng sản.
Điều 67, Luật Bảo vệ môi trường quy định: Tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường: Thu gom, xử lý nước thải theo quy định; Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn; Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh; Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về khoáng sản; Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật Bảo vệ môi trường.
Minh Anh
Bình luận