Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 04:11
Thứ tư, 18/09/2024 15:09
TMO - Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Kon Tum triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã tham mưu cho Sở NN&PTNT tỉnh tham gia công tác thẩm định các dự án đầu tư có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố tham mưu chính quyền địa phương triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm của tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương tổ chức theo dõi, thống kê hiện trạng rừng trên địa bàn quản lý, từ cơ sở đó lập và xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng để rừng có chủ quản lý thật sự theo đúng quy định. Đến tháng 8/2024, cơ bản các diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý trước đây đã bàn giao về cho các đơn vị chủ rừng để quản lý, bảo vệ;
Ngoài ra, xây dựng và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sinh kế dựa vào tài nguyên rừng, như giao rừng, cho thuê rừng gắn với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp dưới tán rừng (trồng dược liệu, trồng rừng); tập trung xử lý diện tích đất chồng lấn, lấn chiếm, các vụ việc tranh chấp đất đai có nguồn gốc từ các lâm trường; nhân rộng và triển khai hiệu quả việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra thực tế việc triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các thành phần kinh tế, có sự đồng thuận cao của người dân. Ban Chỉ đạo tỉnh đã triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh có liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp.
Trong các tháng mùa khô năm 2024, các địa phương, đơn vị tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng, đặc biệt là tuần tra, kiểm tra các khu vực trọng điểm cháy rừng, kết hợp với theo dõi các điểm cháy qua vệ tinh nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đám cháy ngay từ khi mới xuất hiện. Trong 7 tháng của năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng, qua kiểm tra, xác minh các vụ không gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã chuyển mục đích sử dụng rừng 14,375 ha. Công tác quản lý, giám sát các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng được các đơn vị, địa phương thực hiện chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thi công dự án để khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, thi công ra ngoài ranh giới. Công tác trồng rừng, trồng dược liệu và cây phân tán được tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc. Đến đầu tháng 8/2024, các đơn vị, địa phương đã trồng được 1.684,7 ha rừng (đạt 56,16%) so với kế hoạch; diện tích trồng Sâm Ngọc Linh là 14,34 ha (đạt 2,87%) so với kế hoạch; dược liệu khác 591,88 ha (đạt 37,94%) so với kế hoạch; cây phân tán trồng được 361.382 cây...
Ngoài ra, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư thôn và người dân về ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định pháp luật trong công tác và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chủ trì, phối hợp với hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng là tổ chức, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức các Hội nghị tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng kết hợp tập huấn quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng với hàng trăm lượt cán bộ, người dân tham gia.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng năm 2023, thu nhập bình quân từ tiền dịch vụ môi trường rừng của mỗi hộ gia đình, cá nhân là 10,1 triệu đồng và của mỗi cộng đồng dân cư thôn là hơn 107 triệu đồng. Còn các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, nhóm hộ, tổ chức được các đơn vị chủ rừng khoán quản lý, bảo vệ rừng năm 2023, thu nhập bình quân từ tiền dịch vụ môi trường rừng của mỗi hộ gia đình, cá nhân là 11,1 triệu đồng, của cộng đồng dân cư thôn là 271 triệu đồng, của nhóm hộ là 79,5 triệu đồng và của tổ chức là 302 triệu đồng.
Người dân xã Măng Bút tuần tra rừng được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông khoán quản lý, bảo vệ. Ảnh: ĐT.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn, UBND tỉnh đề nghị các cấp, đơn vị chủ rừng tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác lâm nghiệp; nâng cao vai trò trách nhiệm, tăng cường công tác phối hợp, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan để đảm bảo tất cả các vụ án, vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp được phát hiện kịp thời, sớm tổ chức điều tra, xác minh và đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tăng cường tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác quản lý, bảo vệ rừng tại các địa phương, đơn vị chủ rừng để chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng; phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện quy trình, trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới theo đúng quy định tại Nghị định 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ.
Đồng thời giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng khi triển khai các dự án; rà soát, kiểm tra đánh giá lại diện tích có cây tái sinh trước đây để cập nhật diễn biến rừng năm 2024; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện điều tra, kiểm kê rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
UBND các huyện, thành phố, các đơn vị chủ rừng tổ chức thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng, trồng dược liệu và trồng cây phân tán năm 2024 được giao; tổ chức chăm sóc tốt diện tích rừng trồng, cây phân tán đảm bảo sinh trưởng tốt, thành rừng; rà soát, đánh giá lại toàn bộ diện tích trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2021, 2022, 2023 trên địa bàn. Các đơn vị chủ rừng cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác trồng rừng, nhất là khâu chuẩn bị và kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng.../.
Thu Hoài
Bình luận