Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 18:11
Thứ tư, 12/07/2023 19:07
TMO - Trong 6 tháng đầu năm 2023, do ảnh hưởng của mưa lớn, gió lốc, dông sét, mưa đá trong các tháng đầu mùa mưa năm 2023 đã gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Trước tác động của biến đổi khí hậu, trong thời gian qua diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, có chiều hướng tăng lên cả về cường độ, số lượng, mức độ nguy hiểm, bất thường và có xu hướng cực đoan hơn; trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, lốc xoáy, dông sét, hạn hán... gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân, đe dọa đến tính mạng và nguy cơ mất an toàn cho các công trình cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023 thiên tai đã làm hư hỏng, tốc mái 119 nhà; diện tích cây trồng (lúa, cao su, chanh dây, hoa màu, ngô) bị hư hại, ngã đỗ khoảng 179,56ha; một số công trình cơ sở hạ tầng như giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng, trụ sở làm việc, trường học bị sập tường rào, tốc mái, đổ gãy một số cây xanh... Ước giá trị thiệt hại khoảng là 8,389 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tình hình động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thường xuyên xảy ra; UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương, đặc biệt là huyện Kon Plông thường xuyên, theo dõi chặt chẽ tình hình dư chấn động đất; kịp thời phát hiện, thông tin và hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trên địa bàn. Theo thông tin từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tục xảy ra nhiều trận động đất, trong 6 tháng đầu năm 2023, tại huyện Kon Plông và vùng lân cận, đã xảy ra 125 trận động đất.
Mưa lũ là một trong những loại hình thiên tai gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh Kon Tum trong những năm qua, đòi hỏi địa phương này cần chủ động các giải pháp ứng phó.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, tổng lượng mưa trong toàn mùa mưa năm 2023 dự báo đạt xấp xỉ trung bình nhiều năm và khả năng cao hơn so với mùa mưa năm 2022. Đặc biệt, từ tháng 8-10, trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra 4- 5 đợt mưa to trên diện rộng với số ngày mưa liên tục từ 2- 3 ngày; tổng lượng mưa đạt từ 150- 350mm/đợt. Năm nay, sẽ có khoảng 3- 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới tỉnh, tập trung trong thời kỳ từ tháng 8- 11, gây mưa vừa, mưa to đến rất to dẫn đến ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi.
Mưa lớn gây ra lũ trên hầu hết các sông, suối của tỉnh và năm nay được dự báo là năm nhiều lũ với khoảng 6- 8 đợt lũ xảy ra. Trong đó, có từ 3- 5 đợt lũ trung bình và lớn, mực nước đỉnh lũ có thể đạt mức báo động cấp II trở lên, xuất hiện tập trung trong khoảng từ tháng 8-10 trên các lưu vực sông Pô Kô, Sa Thầy và từ tháng 9- 11 trên sông Đăk Bla. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất của năm 2023 trên các sông đạt cao hơn mức báo động cấp III từ 1,00- 2,50 mét.
Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị huy động lực lượng, nguồn lực tập trung khắc phục thiệt hại do thiên tai; đồng thời, cân đối nguồn lực của địa phương và nguồn hỗ trợ của Trung ương 30 tỷ đồng để phân bổ cho các địa phương, đơn vị tổ chức khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2022. Đến nay, tỉnh cơ bản đã sửa chữa, khắc phục xong nhà ở của người dân bị ảnh hưởng; đảm bảo an toàn giao thông, ổn định định cuộc sống cho bà con vùng thiên tai.
Địa phương đã ban hành các phương án ứng phó với mưa, lũ, bão mạnh, siêu bão trên địa bàn; kế hoạch sẵn sàng ứng phó thảm họa, vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; kế hoạch ứng phó thảm họa hạn hán trên diện rộng và các phương án ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và các sự cố khác do thiên tai gây ra. Tỉnh đã sửa chữa, khắc phục tình trạng hư hỏng tại các cầu treo dân sinh nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Trên cơ sở diễn biến mưa lũ, thường xuyên kiểm tra, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn (ven sông, địa bàn trũng, thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ...), xây dựng phương án, huy động lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ..., chủ động sơ tán Nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi thiên tai có thể xảy ra. Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân không chịu sơ tán thì tổ chức biện pháp cưỡng chế sơ tán.
Đối với thiên tai động đất, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các Bộ ngành Trung ương quan tâm tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia: “Nghiên cứu đánh giá hoạt động động đất khu vực tỉnh Kon Tum và lân cận phục vụ công tác phòng tránh giảm nhẹ thiên tai do động đất gây ra”, phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.
Thời gian gần đây, động đất xuất hiện thường xuyên hơn tại huyện Kon Plông (Ảnh minh họa).
Đồng thời, đưa ra số liệu, thông tin chính thống về động đất tại huyện Kon Plông, tổ chức tuyên truyền để nhân dân biết, ổn định tâm lý, tránh hoang mang; Các cơ quan Trung ương tổ chức các Hội thảo tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra tại cấp tỉnh (cho các Sở, ngành, đơn vị liên quan) và tại cấp huyện (cho nhân dân, địa phương cấp xã).
Tổ chức khảo sát, xác định và chuẩn bị các khu vực sơ tán an toàn cho Nhân dân; Chủ động xây dựng kế hoạch sơ tán dân của từng thôn, làng và sẳn sàng triển khai thực hiện khi có động đất; xây dựng kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế đảm bảo cho công tác cứu trợ nhân dân trong khu vực bị động đất; Có kế hoạch chuẩn bị lực lượng tại chỗ (Đội xung kích Phòng chống thiên tai) để hỗ trợ kịp thời Nhân dân bị thương vong, mất tích trong vùng bị động đất; rà soát cập nhật bổ sung sự cố động đất vào trong phương án ứng phó với thiên tai của các địa phương, đơn vị.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, bổ sung các khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa được phổ cập dịch vụ viễn thông đến năm 2025 để tạo điều kiện giảm khoảng cách số, đem lại lợi ích về an sinh xã hội tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai báo cáo Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho địa phương để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra năm 2022 và các tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum và kinh phí thực hiện Chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư nhằm phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2021-2025.
Cùng với việc triển khai các biện pháp ứng phó với từng loại hình thiên tai, địa phương này chú trọng lồng lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung phòng, chống thiên tai được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Quy hoạch phát triển khu dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp (cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dịch vụ...) phù hợp với đặc điểm khí hậu, thủy văn và diễn biến thiên tai tác động trên từng vùng, lĩnh vực.
Hải Hà
Bình luận