Hotline: 0941068156
Thứ năm, 23/01/2025 10:01
Thứ hai, 18/04/2022 15:04
TMO – Trên toàn cầu có khoảng 90 tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên được khai thác mỗi năm để hỗ trợ nền kinh tế. Dựa trên các xu hướng hiện tại, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050. Tuy nhiên, chỉ 9% tài nguyên tìm đường quay trở lại sản phẩm sau lần sử dụng đầu tiên.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Thành, nhựa đang bị thải ra và tích lũy trong các đại dương và chỉ có 14% bao bì nhựa được thu gom để tái chế. Kim loại nặng từ chất thải điện tử đang gây ô nhiễm không khí và đất: Chỉ 20% thiết bị điện tử được thu gom để tái chế. Và khói bụi từ quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch thường xuyên phủ kín các thành phố đông dân nhất thế giới. Sự hủy hoại môi trường, ô nhiễm và biến đổi khí hậu trên diện rộng đang là thách thức lớn nhất. Nền kinh tế tuần hoàn sẽ thúc đẩy loại bỏ chất thải và sử dụng tài nguyên thiên nhiên an toàn một cách liên tục, đưa ra một giải pháp thay thế có thể mang lại tới 4,5 nghìn tỷ USD lợi ích kinh tế vào năm 2030.
Thu gom, tái chế rác thải nhựa.
PGS. TS Nguyễn Văn Thành cho rằng, để đạt được sự chuyển đổi này đòi hỏi sự hợp tác chưa từng có bằng cách thúc đẩy ba trụ cột chính, gồm (Biến đổi chuỗi giá trị vật chất, cần hình thành và phát triển các chuỗi giá trị vật chất toàn cầu để thúc đẩy các mô hình tuần hoàn - từ nhựa, điện tử, pin, xe hơi, đến thời trang/dệt may; Kinh tế thương mại và tuần hoàn, cần thiết phải hình thành mô hình thương mại quốc tế gắn với mô hình tuần hoàn. Mô hình kinh tế tuần hoàn thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư).
Nền kinh tế tuần hoàn là một thiết kế lại mô hình kinh tế mới, nơi các hệ thống công nghiệp được phục hồi và tái tạo. Không có gì được tạo ra trong nền kinh tế tuần hoàn trở thành lãng phí. Nền kinh tế tuần hoàn có tiềm năng đổi mới, tạo việc làm và phát triển kinh tế là rất lớn, ước tính cho thấy cơ hội hàng nghìn tỷ USD. Đây là nền kinh tế giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của những thách thức kinh tế - xã hội và môi trường - bằng cách đối phó với chúng ở giai đoạn thiết kế. Thay vì sở hữu vật chất thì hướng đến chia sẻ hoặc cho thuê. Trong tương lai, mọi thứ có thể được chia sẻ, sẽ được chia sẻ. Chuyển từ sản phẩm sang dịch vụ là xu hướng chính.
Để phát triển các mô hình kinh doanh xung quanh các sản phẩm dịch vụ, nền kinh tế chia sẻ, kéo dài tuổi thọ và tái sử dụng, sửa chữa và cung cấp ngược lại cần dựa trên kỹ thuật số để thay đổi các mối quan hệ cũ. Do vậy, cần can thiệp vào tất cả các giai đoạn sáng tạo, thiết kế, sử dụng sản phẩm, sử dụng tiếp theo, mối quan hệ với người tiêu thụ và người dùng.
Thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu các chất gây hiệu ứng nhà kính, vì chúng được thu hồi gần như triệt để, không phát thải ra môi trường; là cách thức phát triển giúp đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu của SDGs.
“Hiện tại, chúng ta đang hoạt động trong một nền kinh tế mà mọi nguồn tài nguyên và tiêu thụ cũng như rác thải luôn gia tăng tuyến tính, việc chuyển đổi hệ thống sẽ cần phải mạnh dạn đi đầu, hợp tác, đổi mới và cam kết thay đổi hiện trạng. Trước mắt, một số lĩnh vực trọng tâm, như may mặc, thời trang, nhựa, chất dẻo, các sáng kiến, điện tử,... cần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”, PGS. TS Nguyễn Văn Thành nói.
Lê Hùng
Bình luận