Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 01:11
Thứ năm, 25/05/2023 21:05
TMO – Giới chuyên gia cho rằng, nhiều địa phương thay vì liên kết lại có xu hướng cạnh tranh xung đột nhau trong phát triển các loại hình kinh tế biển tương đồng như nuôi biển, du lịch biển, logistics, thương mại, thu hút nhân lực.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 (ngày 22/10/2018) của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khoá XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, kinh tế biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đạt được những thành tựu trong việc phát triển các ngành kinh tế biển, hình thành các khu kinh tế (KKT) ven biển, là động lực cho phát triển của cả vùng; mở rộng dịch vụ logistics để thúc đẩy sự liên kết phát triển kinh tế giữa các vùng ven biển với các vùng nội địa, với khu vực và thế giới.
Du lịch cũng trở thành động lực phát triển của nhiều địa phương ven biển. Nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản đang đưa nhiều vùng biển trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu hải sản lớn trên cả nước. Đầu tư khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế biển được chú trọng nhiều hơn, phục vụ hiệu quả hơn cho các đề án, chương trình hành động phát triển bền vững kinh tế biển ở nhiều tỉnh, thành khu vực Trung Bộ.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phát triển kinh tế biển ở vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn tồn tại nhiều hạn chế, thể hiện ở các khía cạnh: Tiềm năng phát triển lớn nhưng quy mô phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương còn nhỏ; các khu công nghiệp ven biển chưa lấp đầy diện tích được quy hoạch; đóng góp của kinh tế biển trong GDP của tỉnh còn thấp, liên kết phát triển còn yếu, đầu tư phát triển dàn trải, nguyền lực về khoa học công nghệ, tài chính, con người còn hạn chế…Nhiều địa phương thay vì liên kết lại có xu hướng cạnh tranh xung đột nhau trong phát triển các loại hình kinh tế biển tương đồng như nuôi biển, du lịch biển, logistics, thương mại, thu hút nhân lực… Thực trạng này cho thấy, rất cần tiếp tục phải có những đánh giá chuyên sâu, từ đó tìm các giải pháp tháo gỡ nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.
Cũng theo các chuyên gia, kinh kế bền vững cho cư dân ven biển là vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế biển của nước ta hiện nay. Tuy nhiên, kinh tế ngư nghiệp ngày càng khó khăn và khắc nhiệt hơn bởi sự suy giảm đáng lo ngại của nguồn lợi thủy sản, ngư trường bị thu hẹp, phí tổn những chuyến đi biển cao, thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường xuất khẩu có nhiều đối thủ cạnh tranh với những quy định khắt khe hơn. Điều đó đã ảnh hưởng đến sinh kế, thu nhập của bền vững của cộng đồng ngư dân. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị ngành thủy sản, các địa phương ven biển cần đẩy mạnh tiến trình hiện đại hóa các công nghệ đánh bắt và bảo quản thủy sản cho đội tàu khai thác xa bờ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản; đẩy mạnh phát triển hạ tầng và hậu cần nghề cá tại các địa phương, chú trọng chuẩn hóa các cảng cá, bảo đảm kiểm soát nguồn gốc thủy sản đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu thủy sản. Cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp bảo tồn, phát huy nguồn lợi thủy sản để tạo nguồn thu nhập bền vững người dân.
LÝ LAN
Bình luận