Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 14:11
Chủ nhật, 23/06/2024 06:06
TMO - Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các địa phương giải quyết vướng mắc hiện tại, không trả lời né tránh; đặc biệt là tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền liên quan đến các thủ tục đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở...
Đề cập đến những giải pháp trọng tâm tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thời gian tới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.
Các sở, ngành tập trung hướng dẫn các địa phương về các quy định thuộc lĩnh vực của mình để giải quyết vướng mắc hiện tại, không trả lời né tránh. Chủ động trong việc đề xuất chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, đặc biệt là tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền liên quan đến các thủ tục về đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở, triển khai nhanh, hiệu quả các quy hoạch tỉnh đã ban hành.
Về phát triển nhà ở xã hội, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc trong việc lập, phê duyệt các quy hoạch; việc thực hiện điều chỉnh các quy hoạch; việc áp dụng cấp độ quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Tập trung nhiệm vụ trọng tâm về việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân.
Triển khai, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2024 và trong cả giai đoạn của Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến 2030 sẽ có tổng số căn nhà ở xã hội là 3.500 căn nhà ở xã hội (Ảnh minh họa).
Theo đó, xác định các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan đề xuất xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Trong đó, chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ- CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và chỉ đạo các ngân hàng thương mại cổ phần khác tích cực tham gia thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xác định giá đất theo thẩm quyền, kịp thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các vướng mắc liên quan đến xác định giá đất. Chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhất là ở cấp huyện và việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, chủ trì phối hợp các sở, ngành và cơ quan có liên quan chỉ đạo, đôn đốc các địa phương trong việc thực thi các quy định của pháp luật về đất đai đặc biệt là các quy định có liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án bất động sản; đề xuất xử lý tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thuộc lĩnh vực quản lý đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Ngoài ra, UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài chính và Kế hoạch huy động các tổ chức, chuyên gia để định giá đất đai theo ủy quyền, đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nếu để xảy ra chậm trể, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Trường hợp có vướng mắc có văn bản gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời. Đặc biệt, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân né tránh, đùn đẩy công việc, thoái thác nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền; thực hiện luân chuyển, xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Triển khai thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến 2030 sẽ có tổng số căn nhà ở xã hội là 3.500 căn, trong đó: giai đoạn từ 2022-2025 là 1.700 căn, từ 2026 đến 2030 là 1.800 căn. Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp Chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.
UBND tỉnh Kiên Giang cũng giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, UBND các huyện, thành phố và Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Kiên Giang cùng phối hợp để thực hiện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: “Cơ quan ban ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị”.
Mai Hương
Bình luận