Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 04:11
Chủ nhật, 27/08/2023 12:08
TMO - UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, thanh tra xử lý triệt để các trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ rừng, hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng gây nguy cơ mất an toàn do sạt lở, lũ quét.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố đối với công tác phòng, chống sạt lở, lũ quét. Đồng thời, nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất, sạt lở bờ sông và lũ quét
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã trước mắt cần rà soát kỹ, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp,… Đối với các khu vực đã phát hiện có dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; hoặc có phương án chủ động đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm quản lý, sử dụng đất rừng. Ảnh: TĐ.
Về lâu dài, cần kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng. Nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực sườn dốc, ven sông, suối và vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Thành phố nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép gây nguy cơ mất an toàn do sạt lở, lũ quét); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, sự cố, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng.
Tổ chức rà soát, chỉ đạo đề xuất xây dựng và triển khai các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, sự cố, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 28.000 ha rừng chưa được cắm mốc ranh giới, chưa có bản đồ số hóa và đang bị chồng lấn với nhiều loại đất khác. Trước thực trạng này, ngày 18.2.2022, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch 57/KH-UBND, yêu cầu 7 địa phương có rừng tiến hành điều tra, khảo sát về thực trạng rừng, từ đó sẽ bóc tách các diện tích chồng lấn để quản lý rừng hiệu quả hơn.
Theo đó, 7 huyện, thị xã có rừng tại Hà Nội là Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây cũng đang thiếu cơ sở dữ liệu về đất đai, chưa được cắm mốc, lập bản đồ số hóa nhiều năm nay dẫn đến hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân.
Ngày 4/8, tuyến đường bê tông lên đỉnh đồi thuộc xóm Ban Tiện (thôn Phú Ninh, Minh Phú, Sóc Sơn) bị sạt lở đất đá vùi lấp 13 ô tô.
Trước đó (ngày 4/8), tuyến đường bê tông lên đỉnh đồi thuộc xóm Ban Tiện (thôn Phú Ninh, Minh Phú, Sóc Sơn) bị sạt lở đất đá vùi lấp 13 ô tô. Sau đó, cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn xác định nhiều công trình ở xóm Ban Tiện vi phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, huyện đã kiểm tra 478 trường hợp xây dựng trên địa bàn, phát hiện 187 trường hợp vi phạm xây dựng, phải lập hồ sơ xử lý, sai phạm chủ yếu ở 2 xã Minh Phú và Minh Trí (nằm trong phạm vi quy hoạch rừng phòng hộ Sóc Sơn). Theo dự kiến trong tháng 8 và tháng 9, các lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) sẽ tiến hành cưỡng chế các hạng mục vi phạm của homestay, công trình kiên cố nằm dọc hai bên đường bê tông và căn nhà trên đồi Dõng Chum, thuộc xóm Ban Tiện.
UBND huyện Sóc Sơn cho biết qua rà soát diện tích đất rừng, chính quyền huyện đã phát hiện có 1300 ha đất/4557 ha đất rừng đang bị trùng lấn lên các loại đất khác, không đúng với thực tế đang sử dụng. Trong đó, có nhiều diện tích là đất quốc phòng, cơ sở tôn giáo, trường học, làng xóm hiện vẫn nằm trong rừng, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương cũng như ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Đức Mạnh
Bình luận