Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ năm, 09/11/2023 07:11
TMO - Việc ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc nông sản hàng hóa đã tạo thêm những giá trị cho nền kinh tế, đổi mới cuộc sống của hàng triệu nông dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Nhiều địa phương đang đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp trong phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản bằng mã QR.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp đã xác định rõ tầm nhìn đến năm 2030 là phải tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng; kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, chính xác; tăng tỷ trọng trong nền kinh tế với các yếu tố then chốt gồm: chuyển đổi số nông nghiệp, số hóa sản xuất nông nghiệp, phân tích dữ liệu lớn, số hóa bán hàng sản phẩm nông nghiệp, số hóa quy trình xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước…
Đến nay, ngành nông nghiệp đang tập trung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về chuyển đổi số trong các lĩnh vực quản lý ngành. Bộ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung hoàn thành Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến 2025, định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2023; hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và gắn với việc triển khai Dự án hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp; tiếp tục triển khai dự án “Xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025”, hoàn thiện hồ sơ phê duyệt dự án này.
Tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhằm xác định những nhiệm vụ cần thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế. Đến tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Tại Việt Nam, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp hơn 15% vào GDP và thu hút khoảng 40% lực lượng lao động cả nước.
Truy xuất nguồn gốc nông sản hàng hóa là một trong các nội dung quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở góp phần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản. Ảnh: VNP.
Những năm vừa qua, để quản lý nguồn gốc nông sản, thực phẩm trên thị trường và minh bạch thông tin tới người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản. Hiện nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội” với địa chỉ tên miền www://check.hanoi.gov.vn. Hệ thống đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho 3.229 cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông, lâm sản và thủy sản với 11.713 bộ mã truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng duy trì, phát triển tích hợp hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội trên hệ thống phần mềm ứng dụng nền tảng công nghệ GIS ứng dụng quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản, nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến kiểm tra, đánh giá kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp các sở, ngành trên địa bàn thành phố phát triển, quản lý “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm an toàn cho thành phố” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện, tích hợp, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Tiếp tục tham mưu cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất tham gia hệ thống. Phối hợp với các địa phương tư vấn về truy xuất nguồn gốc, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QR... cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc là việc làm thiết yếu mà các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cần phải sớm thực hiện để bảo vệ thương hiệu cho mình và quyền lợi người tiêu dùng. Để hướng tới việc ngăn chặn các hành vi làm hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cũng phải khắt khe hơn trong việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Thu Trang
Bình luận