Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 01:11
Thứ ba, 07/05/2024 14:05
TMO - Nghệ An có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, do tính chất đặc thù Nghệ An có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, thường xuyên đối diện với nắng nóng, khô hạn kéo dài, dẫn đến nguy cơ cháy rừng trên địa bàn ở mức cao.
Nghệ An có trên 1 triệu ha (rừng tự nhiên trên 790 nghìn ha; rừng trồng trên 210 nghìn ha), độ che phủ rừng năm 2023 đạt 58,33%. Địa phương này có nhiều loại rừng khác nhau, trong đó có diện tích rừng trồng thông nhựa, rừng trồng bạch đàn (là những loài có tinh dầu), rừng tự nhiên nghèo kiệt, rừng hỗn giao gỗ nứa, nứa gỗ, rừng tre nứa chiếm tỷ trọng lớn, thảm thực bì rất dễ bén lửa gây ra cháy vào mùa khô; vào mùa Hè thường xảy ra nắng nóng khô hạn kéo dài, kết hợp gió phơn Tây Nam thổi mạnh, độ ẩm không khí xuống thấp, nguy cơ cháy rừng rất cao, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng và ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, hủy hoại môi trường sinh thái và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, rừng trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu phía Tây, giáp Lào, địa hình hiểm trở, bị chia cắt, độ dốc lớn; khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, nắng nóng khô hạn, nhất là vào mùa Hè có gió phơn Tây Nam khô nóng. Đặc biệt, Nghệ An hiện có trên 15.476 ha rừng trồng là thông và hơn 42.900 ha rừng tự nhiên tre, nứa, là những vùng trọng điểm rất dễ xảy ra cháy rừng.
Trong đợt nắng nóng vừa qua, Nghệ An đã xảy ra 1 vụ cháy rừng vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Khu vực cháy là vùng giáp ranh giữa 2 huyện Thanh Chương và Nam Đàn nơi có địa hình dốc, loài cây chủ yếu là thông, keo... đám cháy đã lan rộng trên diện tích khoảng 18 ha, chủ yếu là thông, keo, tráng cỏ, lau lách, bổi vọt... Ngay khi xảy ra cháy rừng, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng kiểm lâm; chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo và tổ chức các phương án chữa cháy rừng, dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để lây lan ra diện rộng.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bình quân hàng năm trồng mới rừng trên 18.000 ha; thực hiện quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) tăng mạnh, đạt 24.826 ha; công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tương đối phát triển; dịch vụ môi trường rừng vẫn khẳng định vai trò là nguồn thu tài chính quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.
Chi cục Kiểm lâm tăng cường lực lượng thường trực canh phòng lửa rừng tại khu rừng trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao để có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả.
Để chủ động phòng ngừa thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhằm giảm đến mức thấp nhất số vụ cháy và diện tích rừng bị cháy trong năm 2024. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các chủ rừng triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Chỉ đạo các chủ rừng.
UBND các xã rà soát kỹ và xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR theo đúng phương châm 4 tại chỗ: "Phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ". Chú trọng các nội dung: Tập huấn nghiệp vụ, huấn luyện diễn tập chữa cháy rừng; phát dọn thực bì, đốt trước vật liệu cháy, làm đường băng cản lửa, lắp đặt các biển cảnh báo cấm lửa, bảng nội quy ra vào rừng...; kiểm tra, phát hiện, xử lý sớm những bất cập, tồn tại trong phương án PCCCR tại địa phương và các chủ rừng trên địa bàn để có biện pháp khắc phục, bổ cứu kịp thời.
Các địa phương có diện tích rừng thông nhựa cần tăng cường quản lý hoạt động khai thác nhựa thông, thực hiện nghiêm quy định hồ sơ khai thác, giám sát quy trình kỹ thuật khai thác, ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, khai thác sai quy trình kỹ thuật; nghiêm cấm biện pháp khai thác chích hình xương cá (chích diệt), làm hủy hoại rừng thông sau khai thác.
Tăng cường các biện pháp tuần tra rừng, kiểm soát lửa rừng, trong thời gian nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao duy trì quân số và trực 24/24 giờ hàng ngày tại Văn phòng Ban Chỉ đạo PCCCR các cấp, Hạt Kiểm lâm, chủ rừng và tại các chòi canh lửa. Giám sát và quản lý tốt việc mang lửa vào rừng, sử dụng lửa ven rừng và trong rừng; hướng dẫn việc sử dụng lửa an toàn đối với các hoạt động vui chơi giải trí, thăm viếng của du khách, đốt hương, đốt vàng mã có nguy cơ bén lửa gây cháy rừng.
Sở NN&PTNT tăng cường kiểm tra đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của các địa phương và chủ rừng (Ảnh minh họa).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra đôn đốc việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của các địa phương và chủ rừng; chủ trì phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy tại các khu rừng trọng điểm; phát hiện những tồn tại, yếu kém trong việc tổ chức thực hiện phương án PCCCR tại các địa phương và chủ rừng để chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục, bổ sung kịp thời.
Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm: Tăng cường lực lượng thường trực canh phòng lửa rừng tại khu rừng trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy cao để có biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Đồng thời củng cố, kiện toàn Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR chuyên ngành, đủ số lượng, nghiệp vụ chữa cháy, rèn luyện thể lực, kỹ năng chữa cháy, đảm bảo phương tiện kỹ thuật, hậu cần thiết yếu, ứng trực 24/24 giờ hàng ngày, sẵn sàng ứng cứu tất cả các tình huống cháy rừng xảy ra; triển khai tốt công tác cảnh báo cháy rừng tại chòi canh lửa trên địa bàn tỉnh, theo dõi hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm và phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh để phát bản tin cảnh báo cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.
Hướng dẫn thực hiện các quy định hiện hành về PCCCR; chỉ đạo rà soát, tu bổ hệ thống công trình phục vụ công tác PCCCR. Tham gia chỉ huy chữa cháy, hướng dẫn kỹ thuật chữa cháy và trực tiếp nắm chắc tình hình diễn biến quá trình tổ chức chữa cháy rừng của địa phương. Tổng hợp báo cáo nhanh UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định. Số điện thoại hotline thường trực PCCCR 24/24h: 0238.3842710.
Tổng cục Khí tượng Thủy văn vừa đưa ra thông tin cảnh báo từ nay đến giữa tháng 5/2024, nhiều tỉnh còn xảy ra nắng nóng diện rộng và có mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng rất nguy hiểm (mức V). Điển hình là Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông, Tây Ninh và các tỉnh Tây Nam Bộ. Theo dự báo, từ ngày 11-15/5, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với mức nhiệt độ cao nhất 36-39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Tại Kon Tum, Gia Lai, Đăk Nông và các tỉnh Tây Nam Bộ, từ ngày 11-16/5 có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng trở lại, nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C. Trước dự báo trên, các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống cháy rừng, giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Nguyễn Nhung
Bình luận