Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 17:11
Thứ năm, 22/06/2023 08:06
TMO - Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết trên cả nước hiện chỉ còn khu vực Trung Bộ đang trong mùa khô, có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước. Các tỉnh, thành phố bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước, những diện tích có nguy cơ nguồn nước không đủ cung cấp cho cả vụ cần phải điều chỉnh lịch xuống giống.
Cục Thủy lợi cho biết, trên cơ sở tình hình nguồn nước, dự báo mưa, trong vụ Hè Thu 2023 dự kiến từ 10.600-18.000ha có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước. Khu vực Bắc Trung Bộ dự báo sẽ có khoảng 7.000-10.500ha thiếu nước, cụ thể Thanh Hóa từ 2.000 - 3.000ha, Nghệ An từ 3.500 - 4.500 ha, Hà Tĩnh 300ha, Quảng Bình 100-600ha, Quảng Trị từ 1.000-2.000ha, Thừa Thiên-Huế 100ha; khu vực Nam Trung Bộ có khoảng 3.600-7.500ha, cụ thể Quảng Nam từ 2.000-3.000 ha, Quảng Ngãi từ 500-2.000 ha, Bình Định từ 500-1.000ha, Phú Yên từ 500-1.000ha, Ninh Thuận từ 100-500ha.
Số liệu quan trắc cho thấy, trong tuần qua, trên địa bàn cả nước đã có mưa. Lượng mưa tại khu vực Bắc Trung Bộ ghi nhận phổ biến từ 50 - 120mm; trong khi tại Nam Trung Bộ đo được từ 10 - 50mm. Nhờ được bổ sung nguồn nước mưa, tại khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích trung bình các hồ chứa thủy lợi toàn vùng đã đạt 48,5% dung tích thiết kế. Tại khu vực Nam Trung Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi cũng đạt 65% dung tích thiết kế, tuy nhiên dung tích tại các hồ chứa này vẫn giảm lần lượt 1,5% và 3% so với dung tích thiết kế.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, El Nino có khả năng sẽ tiếp tục phát triển từ tháng 6 cho tới hết năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 80-90%. Dự báo thời gian đỉnh điểm của El Nino có thể xảy ra từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024. Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25-50%.
Với các nhận định tác động đến khí tượng, thủy văn của hiện tượng El Nino nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở cấp độ cao (cấp độ 3-4), trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ và Đông Nam Bộ từ mùa khô năm 2024 đến năm 2025.
Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết trên cả nước hiện chỉ còn khu vực Trung Bộ đang trong mùa khô, có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết, nắng nóng kéo dài trong thời gian qua khiến nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ đạt khoảng 50% dung tích. Vụ Hè Thu 2023, toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 81.534,6 ha diện tích lúa và 7.812,9 ha hoa màu các loại. Nếu nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước tưới trong vụ hè thu đối với nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt vào cuối mùa khô có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng.
Theo báo cáo mới nhất, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 1.061 hồ đập. Đến thời điểm hiện nay có 685 hồ có dung tích trên 50%, các hồ chứa còn lại dưới 50% dung tích. Trong khi tình hình nắng nóng với nền nhiệt cao vẫn đang diễn rộng, lưu lượng nước về các hồ thủy điện đang ở mức rất thấp so với trung bình hàng năm. Ngay từ đầu mùa khô năm 2023, các đơn vị đã chủ động phối hợp để thống nhất kế hoạch điều tiết cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất và sinh hoạt trên tinh thần đảm bảo hài hòa giữa hai mục tiêu cấp nước và phát điện.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vụ Hè Thu 2023, các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước vụ Hè Thu 2023 phù hợp với thực trạng nguồn nước. Trong đó, cần lưu ý xác định nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chi tiết đến từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể. Thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Hè Thu 2023, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu thiết yếu cho cả mùa khô năm 2023.
Bên cạnh đó ưu tiên nguồn lực đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị ảnh hưởng do các đợt mưa bão trong năm 2022. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi; xây dựng các phương án thi công, dẫn dòng phù hợp để đảm bảo không gây ách tắc, cản trở dòng chảy cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiệu quả. Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Hè Thu 2023. Tăng cường công tác thủy lợi nội đồng để khôi phục hoạt động của công trình bị ảnh hưởng trong đợt mưa lũ vừa qua. Các diện tích tưới thuộc vùng hạ du các sông có hồ chứa thủy điện cần có kế hoạch điều tiết các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du trong các thời kỳ khô hạn...
Đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp trước nguy cơ hạn hán được các địa phương tại Trung Bộ chú trọng.
Tại Ninh Thuận, vụ Hè Thu năm 2023 địa phương này có khoảng 23.539 ha sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây lúa 12.867,74 ha, rau màu 10.231,85 ha và nuôi trồng thủy sản 439,47 ha. Nhằm đảm bảo nguồn nước cho sản xuất trước tình trạng nắng nóng kéo dài, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị vận hành công trình thủy lợi tại tỉnh điều tiết cấp nước cho diện tích đất sản xuất thuộc khu tưới của các hệ thống.
Đối với hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, điều tiết cấp nước cho khu tưới với tổng diện tích 1.072,47 ha, tăng so với kế hoạch giao 391,87 ha, do khai thác mở rộng khu tưới. Đối với các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, sẽ điều tiết cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở 17/21 hồ chứa với với tổng diện tích trên 8.343 ha, tăng 1.833,19 ha so với kế hoạch do tổ chức sản xuất thêm tại các hồ Bàu Zôn, Bà Râu, Cho Mo, Tân Giang và Sông Biêu, Phước Trung, Phước Nhơn...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, căn cứ vào khung lịch thời vụ, cơ cấu giống gieo trồng từng vụ cụ thể theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp để tổ chức chỉ đạo sản xuất; có kế hoạch xuống giống tập trung, đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, xứ đồng nhằm mục đích rút ngắn thời gian gieo sạ để tiết kiệm nước tưới.
Rà soát lại quy hoạch, bố trí sản xuất theo hướng giảm dần diện tích đất lúa; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, vùng gò đồi, cuối kênh sang cây trồng cạn sử dụng ít nước, cho giá trị kinh tế cao. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn nước sản xuất, trong vụ hè - thu 2023 nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt khoảng 10,89 triệu m3, nước uống cho gia súc, gia cầm 2,12 triệu m3 và cấp nước cho dịch vụ - du lịch và công nghiệp là 2,51 triệu m3.
Thanh Nga
Bình luận