Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 18:11
Thứ hai, 27/02/2023 11:02
TMO - Tỉnh An Giang đang bước vào vào mùa khô, dự báo nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung, triển khai thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ, nhất là ở các huyện miền núi Tịnh Biên, Tri Tôn.
Hiện nay, An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 16.920ha. Trong số đó, rừng đặc dụng trên 1.832ha, chiếm 10,9% diện tích đất lâm nghiệp; rừng phòng hộ trên 11.445ha, chiếm 68,0% diện tích đất lâm nghiệp; rừng sản xuất 3.542ha, chiếm 21,1% diện tích đất lâm nghiệp. Mùa khô hạn 2023, tỉnh đã khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng với diện tích gần 7.370ha chiếm hơn 43% tổng diện tích rừng của địa phương.
Huyện Tri Tôn có diện tích vùng trọng điểm cháy rừng trong mùa khô cao nhất với với diện tích hơn 4.000ha có nguy cơ cháy cao, gồm vùng đồi núi với diện tích 2.550ha và vùng đồng bằng với diện tích hơn 1.856ha (như Rừng Tràm Bình Minh, rừng Tràm Tân Tuyến, rừng Tràm Lâm trường tỉnh đội, đồi 81, đồi 400, đồi Tức Dụp)…Huyện Tịnh Biên xác định diện tích vùng trọng điểm cháy rừng trên 2.900 ha gồm: Rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, khu vực núi Nhọn, khu vực đồi Kakô, khu vực Latina-Tà Lọt thuộc Núi Cấm...
Lực lượng kiểm lâm tại các khu vực nguy cơ cháy rừng cao chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện phòng chống cháy rừng.
Để chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang đã xây dựng, triển khai Kế hoạch hiệp đồng chữa cháy rừng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và thành phố Châu Đốc xây dựng kế hoạch hiệp đồng chữa cháy rừng tại địa phương, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh huy động. Các lực lượng khác như Công an, Quân sự, Biên phòng, Hải quan... phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng và ngăn chặn mua bán, vận chuyển gỗ, động vật hoang dã trái phép.
Đối với diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng vùng đồi núi, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã khẩn trương thực hiện phát và đốt dọn cỏ cục bộ làm giảm vật liệu cháy trong rừng. Đối với diện tích rừng vùng đồng bằng tập trung như rừng tràm Trà Sư, Nhơn Hưng, Vĩnh Châu, Bình Minh, Lâm trường tỉnh đội, Tân Tuyến, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh duy trì nước dưới kênh, đốt dọn gốc rạ giáp rừng, đốt dọn cỏ trên các tuyến kênh và thực hiện vệ sinh rừng. Các đơn vị khẩn trương rà soát, kiểm tra lại các phương tiện, dụng cụ phòng cháy đang quản lý để có bố trí phù hợp. Các phương tiện, dụng cụ và lực lượng phải chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức kiểm tra các điểm trữ nước, bồn, hồ nước trên vùng đồi núi.
UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tăng cường cán bộ Kiểm lâm xuống các địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để tham mưu cho các cấp chính quyền thực hiện công tác PCCC rừng. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm để thông tin cho các địa phương có rừng nắm, kịp thời đề ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy rừng xảy ra.
Các địa phương bố trí các nguồn lực, bảo đảm ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng phát sinh. Ảnh minh hoạ
UBND huyện các, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các đối tượng được phân cấp quản lý. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”, “Điểm chữa cháy công cộng”. Đối với các địa phương có rừng, tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) trong bảo vệ rừng, PCCC rừng; có kế hoạch phối hợp hiệp đồng bảo đảm về lực lượng, phương tiện, dụng cụ và hậu cần cho công tác chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý.
Đồng thời chỉ đạo các Trạm quản lý rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng, lực lượng Quân sự, Kiểm lâm, chính quyền địa phương có rừng tổ chức tuần tra, kiểm tra các khu vực rừng có khách du lịch hành hương tập trung và thường xuyên qua lại để hướng dẫn người dân không được đi vào tham quan ở các khu vực có nguy cơ cháy, không sử dụng lửa trong rừng.
Chỉ đạo chủ rừng rà soát kỹ phương án PCCC rừng, xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực, bảo đảm ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn. Tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, tăng cường lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn. Bảo đảm lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
Nguyễn Thanh
Bình luận