Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 19:01
Thứ tư, 08/02/2023 21:02
TMO - Thành phố Hà Nội hướng đến mục tiêu xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, phục vụ dịch vụ nông nghiệp đô thị. Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho Thủ đô và cả nước.
Tại Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Hà Nội định hướng xây dựng nông thôn mới xanh, hiện đại, thông minh gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hoá đặc trưng của Thủ đô. Xây dựng người nông dân Thủ đô văn minh, có kỹ năng, trình độ, là chủ và làm chủ xây dựng, thụ hưởng thành quả phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, đến năm 2025, tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm từ 2,5-3,0%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đạt trên 70%. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 5-7% trên tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi thủy sản hữu cơ có chứng nhận đạt 10ha, diện tích nuôi thủy sản chuyển đổi theo hướng hữu cơ đạt 150ha.
Thành phố đánh giá, phân hạng được thêm 2.000 sản phẩm OCOP trở lên. Quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cây công trình phục vụ dịch vụ nông nghiệp, đô thị, phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Phát triển hợp tác xã chuyên ngành, phát triển chế biến sản phẩm nông sản gắn với vùng sản xuất; phấn đấu có trên 80% HTX hoạt động hiệu quả; 150 mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững. Đồng thời, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thành phố Hà Nội tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: HNM
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa, nông dân giàu có; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững trên địa bàn Thủ đô. Triển khai có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75-80%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55%... Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%. Tỷ lệ hộ gia đình có sử dụng ít nhất 01 điện thoại thông minh (smartphone) đạt từ 95% trở lên, tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động mạng 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng đạt 100%.
Mục tiêu đến năm 2030, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5- 3,0%/năm trở lên; chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 75% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP vào năm 2030. TP đánh giá, phân hạng được thêm 2.000 sản phẩm OCOP trở lên.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2030, TP có 50% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...
Mục tiêu đến năm 2045, phấn đấu đưa ngành nông nghiệp Thủ đô phát triển hiện đại, bền vững, trở thành một trong những tỉnh, thành phố có nền nông nghiệp công nghệ cao của cả nước gắn với công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường; các sản phẩm chủ lực của thành phố được xây dựng thương hiệu và phát triển theo chuỗi giá trị và hướng tới xuất khẩu. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “miền quê đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5- 3,0%/năm trở lên; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt tỷ lệ trên 80%. Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên; có 100% số xã, số huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt trên 200 triệu đồng/người/năm trở lên.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 19-NQ/TW cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân đảm bảo thống nhất nhận thức đúng, đầy đủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn. Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai...
Việt An
Bình luận