Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 11:01
Chủ nhật, 22/12/2024 06:12
TMO - Tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk ngày càng diễn biến phức tạp. Để giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở, đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống trong khu vực ven sông, đòi hỏi cần có giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ và lâu dài.
Thông tin từ Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông, sông Krông Nô dài 189km, đi qua ranh giới 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông. Riêng đoạn sông chảy qua địa bàn huyện Krông Nô dài 53,3km, thuộc khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Hai nguyên nhân chính gây sạt lở sông, là do hoạt động xả nước của thủy điện (vùng sạt lở thuộc hạ lưu thủy điện Buôn Tua Srah) và khai thác cát. Ngoài ra còn do quy luật vận động của dòng chảy tự nhiên, kết cấu địa chất yếu và do biến đổi khí hậu.
Sạt lở gây hư hỏng đường giao thông và có nguy cơ gây hỏng các công trình trạm bơm, thủy lợi ven sông. Nếu tính cả diện tích đất bị sạt lở phía tỉnh Đắk Lắk, đến nay đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha đất canh tác của người dân bị “sông nhấn chìm”.
Trước thực trạng trên, các cấp chính quyền địa phương hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk cũng đã vào cuộc quyết liệt, tổ chức ký kết quy chế phối hợp kiểm soát chống sạt lở, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc đánh giá tác động, xác định nguyên nhân… nhưng đến nay tình trạng này vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông, hiện nay trên sông Krông Nô có 19 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài là 9.080m đã được Khoanh định vào khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tại Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 12/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, do tình hình thời tiết diễn biến bất thường mưa nhiều trong những năm gần đây dẫn đến phát sinh một số điểm sạt lở cục bộ với chiều dài khoảng vài chục mét. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học trong hội thảo đánh giá thực trạng và giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô do Ủy ban nhân tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì, với sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân sạt lở bờ Sông Krông Nô là do tổ hợp của 6 yếu tố tác động đồng thời như: hoạt động xả nước của các nhà máy thủy điện; hoạt động khai thác cát.
Sạt lở tại sông Krông Nô đã ăn sâu vào đất canh tác nông nghiệp của người dân.
Bên cạnh đó là quy luật vận động của dòng chảy tự nhiên; kết cấu địa chất dọc hai bên bờ sông chủ yếu là đất pha cát; do tình trạng biến đổi khí hậu và do hoạt động nhân sinh trên hai bên bờ sông Krông Nô. Trước tình trạng sông Krông Nô bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành nhiều văn bản yêu cầu các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát trên sông Krông Nô thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ.
Đơn cử như triển khai, thực hiện nghiêm Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020; Công văn số 2706/UBND-KTN ngày 3/6/2020 và Công văn số 1529/UBND-KTN ngày 1/4/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý giám sát hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô, Ủy ban nhân dân hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã ký Quy chế phối hợp số 5745/QCPH-UBND ngày 24/9/2024 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Mục đích của việc phối hợp là để thiết lập cơ chế đồng bộ, hiệu quả về chuyên môn và thông tin.
Đồng thời tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông nhằm ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, hạn chế tối đa việc khai thác và sử dụng phương tiện khai thác cát, tập kết cát tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Giải quyết các khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý việc khai thác cát, sỏi tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
Phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về khoáng sản và công tác bảo vệ khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh. Trong quá trình phối hợp không gây cản trở đến công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động khai thác cát, sỏi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân ở khu vực giáp ranh được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép hoạt động.
Hiện tình trạng sạt lở tại bờ sông Krông Nô vẫn diễn biến phức tạp.
Công tác phối hợp được thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.Chủ động trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý những vấn đề phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
Phối hợp, hỗ trợ giữa các cơ quan của hai tỉnh trong xử lý các tình huống khi được đề nghị phối hợp bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các Sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan của hai tỉnh trong việc chủ động thông tin, phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản tại các khu vực giáp ranh, bảo đảm kịp thời, hiệu quả…Đối với Đắk Nông, để triển khai quy chế phối hợp nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông đã ban hành Công văn số 2761/STNMT-KSTNN ngày 16/10/2024 về việc triển khai Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Theo đó, đề nghị Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, ủy ban nhân dân huyện Krông Nô và ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong căn cứ các nhiệm vụ được giao tại Quy chế Phối hợp số 5745/QCPH-UBND ngày 24/9/2024 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về việc Phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai để triển khai thực hiện theo quy định.
Báo cáo kết quả về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/12 hàng năm để đánh hiệu quả, tổng hợp tham mưu ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông có cơ sở đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh kịp thời quy chế nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh.
Đặc biệt, yêu cầu các đơn vị khai thác thuỷ điện thường xuyên phối hợp khảo sát, đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng hoạt động xả nước phát điện của Nhà máy thủy điện liên quan đến sạt lở bờ sông Krông Nô để có phương án khắc phục, xử lý. Trường hợp nếu làm sạt lở đất của tổ chức, cá nhân trong khu vực lòng hồ thì phải có trách nhiệm thực hiện việc đền bù thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng…Về thực trạng sạt lở bờ sông Krông Nô, đến nay vẫn chưa có kết quả đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt lở bờ sông Krông Nô để đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở cho phù hợp.
Trong khi đó, sông Krông Nô là sông liên tỉnh trách nhiệm đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt lở bờ sông thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy tại khoản 4, Điều 23, Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ. Để sớm có giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông có Công văn số 714/UBND-NNTNMT ngày 01/02/2024 để kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đánh giá quan trắc, giám sát diễn biến dòng chảy, bồi lắng, sạt lở bờ sông Krông Nô để đề xuất các giải pháp phòng chống sạt lở.
Trước tình trạng bờ sông Krông Nô đang diễn ra sạt lở ngày càng nguy hiểm, các cấp chính quyền các địa phương liên quan cần sớm có biện pháp triển khai, nhằm xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở gây mất an toàn cho người dân trong khu vực, đồng thời bảo vệ diện tích cây trồng, hoa màu cho người dân để đảm bảo sinh kế cho bà con.
Hồng Giang
Bình luận