Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ tư, 17/01/2024 07:01
TMO - Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến nay cả nước vẫn còn 13 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá.
Theo đó, tại miền Bắc có 20 địa phương đã công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp gồm: Hà Nội, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang, Hà Nam, Hưng Yên, Điện Biên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Yên Bái.
Tại miền Trung và Tây Nguyên có 15 địa phương đã công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, gồm: Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Bình Thuận, thành phố Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắc Nông, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng. Các tỉnh, thành phố ở khu vực Nam Bộ đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, bao gồm: Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Thống kê của Cục Quản lý tài nguyên nước cho thấy. tính đến nay, cả nước chỉ còn 13 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá, bao gồm: Hòa Bình, Lai Châu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cả nước chỉ còn 13 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá.
Theo Cục Quản lý Tài nguyên nước, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế theo từng giai đoạn; xây dựng quy định quản lý, khai thác, sử dụng đối với các hồ, ao, đầm có giá trị về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp cũng là cơ sở để bảo vệ “lá phổi xanh,” nhất là trong bối cảnh thời gian qua ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, việc hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp cũng đã làm giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt trong mùa mưa; gây mất an toàn trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt và các mục đích sử dụng nước thiết yếu trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô… Do đó, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động chỉ đạo các sở, ban, ngành trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn các lưu vực sông và các tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng nhiều hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, ô nhiễm môi trường, giảm hiệu quả trong việc tiêu thoát nước, phòng, chống ngập lụt trong mùa mưa; gây mất an toàn trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt và các mục đích sử dụng nước thiết yếu trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước trong mùa khô.
Trước thực trạng tại nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 10/6/2021, Bộ đã có Công văn 3129/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp, theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012. Đến ngày 24/3/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có Công văn số 1493/BTNMT-TNN gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp.
Theo đánh giá của Bộ TN&MT hiện nay, vấn đề đảm bảo an ninh tài nguyên nước và bảo vệ tài nguyên nước đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Tuy nhiên, một số địa phương, công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước còn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là trong quá trình xây dựng quy hoạch cấp tỉnh. Tình trạng san lấp hồ ao, kè bờ, lấn sông, cải tạo cảnh quan, lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đang diễn ra ngày càng phổ biến, phức tạp và chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Ngoài việc gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh rạch, hồ chứa dẫn đến việc các nguồn nước ngày càng bị suy thoái, cạn kiệt, giảm khả năng cấp nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế -xã hội, gia tăng tình trạng ngập, úng, giảm khả năng trữ nước mưa... ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng,..
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp...
Vì vậy, để đẩy mạnh công tác quan trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo, thực hiện đôn đốc lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp; danh mục nguồn nước nội tỉnh và danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ phục vụ công tác lập quy hoạch cấp tỉnh. Việc sớm phê duyệt, ban hành các danh mục nêu trên nhằm tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm điều phối giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, đồng thời là cơ sở quan trọng trong việc tổ chức, lập quy hoạch vùng, tỉnh, đặc biệt liên quan đến phần đất có mặt nước, đất hành lang sông hồ để bảo vệ nguồn nước, đất có hồ ao thuộc danh mục cấm san lấp và phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của pháp luật về Quy hoạch.
Năm 2023, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước các tại địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Theo báo cáo của Cục Quản lý tài nguyên nước, trong năm 2023, Cục đã trình cấp có thẩm quyền hoặc ký theo thẩm quyền hơn 1000 văn bản hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý tài nguyên nước, trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước.
Trong đó có hơn 6 văn bản đôn đốc trách nhiệm của các Bộ ngành địa phương như: lập hành lang bảo vệ nguồn nước; công bố danh nguồn nước sông nội tỉnh; công bố danh mục hồ ao không san lấp lấn chiếm; vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; nội dung quy hoạch tỉnh; báo cáo tình hình sử dụng nước; kết nối hệ thống giám sát khai thác tài nguyên nước; vận hành liên hồ chứa; đôn đốc thực hiện trách nhiệm của chủ giấy phép tài nguyên nước;…
Kết quả đã có chuyển biến rõ rệt, nhất là đã có 22/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh; 05/63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã được phê duyệt Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước; có 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt, công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh; 49/63 tỉnh, thành phố đã công bố danh mục nguồn nước cần phải lập hành lang bảo vệ; có 38/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh mục nguồn nước nội tỉnh; có 26/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phê duyệt, công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh theo quy định; có 33/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện việc phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt cho các công trình thuộc đối tượng trên địa bàn tỉnh.
Việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước (54/63 địa phương nộp báo cáo). Theo số liệu thống kê, có tổng số 156 đoàn thanh tra kiểm tra đối với 751 tổ chức cá nhân, tổng số tiền phạt hơn 7,3 tỷ đồng. Cục Quản lý tài nguyên nước đã hoàn thành 2 cuộc kiểm tra đối với 2 tổ chức và đã bàn giao cho Tranh tra Bộ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đến thời điểm hiện tại, Thanh tra Bộ đã ban hành 12 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 tổ chức với tổng số tiền xử phạt là: 1.910 triệu đồng....
Thu Hương
Bình luận